10 triệu đồng là quá ít so với nhu cầu
Theo dự thảo, tổng số tiền cho vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) bằng tiền mặt đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng. Chị Nguyễn Mai Phương, 23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng đang ngày càng cao, nếu chỉ ở mức tối đa 10 triệu đồng là quá ít.
Thông thường, CTTC cho vay những khoản mang tính bất thường mà người đi vay chưa kịp thu xếp về tài chính. “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 5/9/2016. Trong đó, quy định CTTC là một trong những công cụ để giúp cho mục đích nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân rất tốt vì đây là kênh dẫn vốn vay đối với người dân rộng, thân thiện hơn so với ngân hàng. Và nếu căn cứ như trên thì hạn mức 10 triệu đồng không thực tế vì khoản tiền này không mua được nhiều sản phẩm, lấy đi khả năng mua những món hàng có giá trị hơn” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Bảng thông báo cho vay tiêu dùng của HD Saison tại một siêu thị điện máy ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Về phía các CTTC, bà Vương Thủy Tiên - thành viên HĐTV Home Credit Việt Nam cho biết, tại Home Credit thường cho vay trả góp với những khoản vay nhỏ (từ 3 triệu đồng đến cao nhất 80 triệu đồng) và có kỳ hạn ngắn (từ 6 - 24 tháng). Theo bà Tiên, để ngăn ngừa rủi ro, cần xác định đúng mục đích cho vay, cơ sở hoàn trả và một số vấn đề khác thay vì quy định bằng hạn mức thấp, không phù hợp. “Nội dung này đang gây tranh luận với cách hiểu khác nhau. Cụ thể, mỗi khách hàng chỉ có thể được vay hạn mức 10 triệu đồng hay con số này chỉ là hạn mức của một lần giải ngân và mỗi khách hàng có thể được giải ngân nhiều lần tùy theo nhu cầu vay vốn?” - đại diện HD Saison, một trong 4 CTTC hàng đầu hiện nay thắc mắc.
Không nên quy định cứng nhắc
TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, mục đích NHNN đưa ra mức thấp như vậy có thể để hạn chế rủi ro cho người đi vay. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng hạn chế tình trạng có nhiều người vay tiền để đảo nợ, trả nợ cũ hoặc thậm chí vay tiền đánh bạc. Tuy nhiên, hạn mức trung bình của một món vay khoảng 50 triệu đồng thì hợp lý hơn, và thay vì hạn chế mức cho vay, NHNN cần phải khống chế chức năng kinh doanh của CTTC để không có cơ hội đầu tư tràn lan vào những lĩnh vực nhiều rủi ro.
Liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng, vấn đề lãi suất vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lần này, Dự thảo Thông tư không quy định về mức trần lãi suất mà do CTTC và khách hàng thỏa thuận phù hợp quy định của NHNN về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. “Đây là quy định thể hiện tính đúng đắn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong tương lai” - ông Đức nhận xét.
Thực tế, nếu áp trần lãi suất 20% theo quy định tại Bộ luật Dân sự sẽ gây khó cho tổ chức tín dụng, và đối với các CTTC càng không hợp lý bởi đó là mức rất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay. Kinh nghiệm từ các thị trường khác cho thấy, quản lý lãi suất không hợp lý sẽ vô tình xóa bỏ cơ hội tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tài chính hợp pháp của một bộ phận người dân. Lãi suất trong thị trường cũng như các loại giá cả khác, quan trọng nhất là cần phải được tự do thỏa thuận, tự khắc thị trường sẽ định hình ra một mức lãi suất hợp lý và cạnh tranh nhất.
Đề xuất từ phía các CTTC là việc giải ngân cũng như lãi suất cho khách hàng nên được quy định theo hướng mở, căn cứ vào thỏa thuận giữa CTTC và khách hàng. Khuyến khích thị trường cạnh tranh lành mạnh song song với việc ban hành những quy định và thủ tục thích hợp về cho vay có trách nhiệm, đồng thời đề cao việc giáo dục tài chính cho đại bộ phận người dân.