Theo ghi nhận, những ngày gần đây tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, măng cụt Thái Lan được nhập về ồ ạt với số lượng lớn. Đáng nói, dù có giá bán cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với măng cụt được trồng trong nước, thì loại quả này theo nhiều tiểu thương chia sẻ là người tiêu dùng đặc biệt yêu thích và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Hơn 90% măng cụt đang được bán tại TP Hồ Chí Minh là hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
“Từ đầu mùa đến nay (tức là khoảng giữa tháng 3 đến nay), số lượng măng cụt Thái Lan nhập về TP Hồ Chí Minh rất lớn, trung bình phải gần 100 tấn/ngày, và hầu như đều tiêu thụ hết, không có hàng tồn, hàng đọng”, chị Kim, đầu mối chuyên bỏ sỉ trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Cũng theo chị Kim, khác với măng cụt của Thái, các giống măng cụt được trồng trong nước thu hoạch trễ hơn, chỉ mới có hàng từ khoảng hai tuần nay, và lượng tiêu thụ chậm hơn so với măng cụt Thái.
“Vì là hàng nhập khẩu nên măng cụt Thái có giá bán cao hơn măng cụt trong nước khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vì măng cụt của Thái không chỉ ngon ngọt mà chất lượng đồng đều, mười trái như một, nên khách hàng vẫn chuộng mua hàng Thái hơn”, chị Kim chia sẻ.
Tương tự, chị Nhương chủ một sạp trái cây tại chợ Cây Gõ) quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay măng cụt của Thái có giá bán ra là 65.000 đồng/kg, còn măng cụt trong nước có từ 45.000-55.000 đồng/kg (tuỳ loại trái to hay trái nhỏ).
“Không phải là người dân không ủng hộ hàng Việt, mà đơn giản là trái nào ngon hơn thì họ mua thưởng thức. Vì thực chất chênh nhau 10.000 đồng/kg cũng không đáng là bao”, chị Nhương nói.
Hơn nữa, chị Nhương cho biết, với măng cụt Thái mà cửa hàng chị đang bán là loại “bao ăn”, nếu khách không hài lòng hoặc có trái hư, trái thối…thì cửa hàng sẵng sàng “bao đổi” cho khách.
“Lượng bán ra mỗi ngày mỗi khác, nhưng nếu tính trung bình thì sẽ khoảng 50-100 kg mỗi ngày, đó măng cụt Thái. Còn với măng cụt của Bến Tre, Trà Vình thì bán chậm hơn một chút, và thường thì số lượng nhập hàng cũng sẽ hạn chế hơn, vì bạn chậm nếu nhập nhiều sẽ rất khó trong khâu bảo quản”, chị Nhương nói thêm.
Trao đổi với PV, anh Tuấn, một thương lái lâu năm tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, măng cụt Việt Nam (chủ yếu là ở Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ...) có đặc điểm hạn chế là vỏ dày, khi chín hay bị cứng và hỏng, cho nên dù có giá bán rẻ hơn so với măng cụt Thái thì sức tiêu thụ vẫn chậm hơn.
“Không phải chỉ năm nay, mà hầu như năm nào cũng vậy, khi đến mùa măng cụt thì song song với hàng trong nước, các tiểu thương sẽ tranh thủ nhập thêm măng cụt Thái về bán, vì người tiêu dùng đặc biệt yêu thích giống măng cụt này”, anh Tuấn nói.
Tại cửa hàng của anh Tuấn, mỗi ngày nhập khoảng 4-5 tạ măng cụt Thái và 2 tạ măng cụt Việt. Hiện măng cụt Thái được bán sỉ với giá 45.000 đồng/kg, bán lẻ là 65.000 đồng/kg (bao ăn), thì măng cụt Việt rẻ hơn một chút với giá sỉ 35.000 đồng/kg, giá bán lẻ 50.000-55.000 đồng/kg.
“Nếu chịu quan sát, sẽ không khó để nhận ra đâu là măng cụt Thái và đâu là măng cụt Việt. Nếu là măng cụt Thái thì trái màu tím đậm, đều, da không có cám và được đóng thùng giấy hoặc rổ nhựa có nhãn mác thể hiện xuất xứ. Còn hàng trong nước kích cỡ nhỏ, trái không đồng đều, màu tươi hơn hàng Thái. Nếu như khi ăn vào có vị ngọt thì măng cụt Thái, còn măng cụt Việt Nam sẽ có vị ngọt nhẹ kèm một chút chua”, anh Tuấn hướng dẫn.