Giá nông sản ngày 17/2: Cà phê tiếp tục tăng
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 78.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 78.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 79.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 79.200 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 79.200 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 79.100 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 79.700 đồng/kg, 79.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 79.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 78.400 - 79.700 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 tăng 26 USD/tấn, ở mức 3.231 USD/tấn, giao tháng 5/2024 tăng 33 USD/tấn, ở mức 3.141 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 190,85 cent/lb, giao tháng 5/2024 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 186,70 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đặng Út
Những ngày đầu tháng 2 dù rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán song các doanh nghiệp vẫn miệt mài chuẩn bị hàng để ngay sau Tết phát lệnh xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - cho hay, trong những ngày Tết Giáp Thìn vừa qua, các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chuẩn bị. Vì vậy sau Tết hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.
Cũng theo ông Nam, hiện tại vấn đề căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng tuy nhiên, Intimex và một số doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng đi) nên gần như không bị tác động gì.
Theo Hiệp hội cà phê cao cao Việt Nam (Vicofa), với những diễn biến trên dự báo năm 2024 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. Hiệp hội này cũng nhận định, mặc dù sản lượng có thể giảm song kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và dự kiến có thể đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.
Thực tế, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 580.600 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Việc xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và giá trị đã kéo giá cà phê nội địa lên mức cao. Đặc biệt, theo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, giá cà phê sẽ không có chuyện quay lại mức giá 35.000 - 40.000 đồng của những năm trước mà sẽ quanh quẩn ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg.
“Từ nay cho đến tháng 5/2024, cà phê Việt Nam vẫn một mình một chợ. Trong khi đó, nhu cầu thế giới đang cao và nguồn cung hạn chế nên xu hướng giá vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao”- ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Giá nông sản ngày 17/2: Hồ tiêu tiếp tục tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 84.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 85.500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 82.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 82.500 - 85.500 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2023 đạt 265.897 tấn, với giá trị thu về 910,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng nhưng lại giảm tới 19,3% về trị giá so với năm 2023. Như vậy, đây là năm thứ 6 liên tiếp ngành hồ tiêu chưa trở lại mốc kim ngạch xuất khẩu tỷ USD.
Mặc dù vậy, đây vẫn là kết quả khá tích cực xét trong bổi cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng.
Đáng chú ý, trong số các quốc gia sản xuất tiêu hàng đầu thế giới Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận xuất khẩu tăng, trong khi Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều sụt giảm.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, sản lượng tiêu Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu.
Tại EU, quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. Vì vậy VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.
Dù vậy, triển vọng thị trường hồ tiêu năm 2024 là tương đối tích cực khi giá mặt hàng này được dự báo sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Thực tế cho thấy, giá tiêu trong đầu vụ 2023-2024 đang cao hơn 35-40% so với cùng kỳ niên vụ trước.