Giá nông sản ngày 11/2: Cà phê cao nhất đạt 80.000 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 78.900 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 78.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 79.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 79.600 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 79.600 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 79.500 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 80.000 đồng/kg, 79.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 79.600 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 78.800 - 80.000 đồng/kg. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng 2.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 ở mức 3.349 USD/tấn, giao tháng 5/2024 ở mức 3.217 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 ở mức 196,30 cent/lb, giao tháng 5/2024 ở mức 191,50 cent/lb.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2024 tăng 112 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 4,35 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Bảo Lâm
Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2024 tiếp tục tăng, ước đạt 210.000 tấn, với kim ngạch 621 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 3,5% về kim ngạch so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cà phê tăng mạnh 47,6% về lượng và 99,6% về kim ngạch.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2024 đã tăng lên 2.955 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam thông tin: “Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”. Thực tế cho thấy, năm qua các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, nhớ lại chuỗi ngày cà phê tăng giá trong suốt một năm qua.
Theo ông, từ mức giá mơ ước 34.000 đồng/kg, đầu năm 2023 hạt cà phê tăng lên 48.000 đồng/kg. Lần đầu tiên sau 15 năm, giá cà phê mới tăng lên mức này. Nông dân và các nhà cung cấp nhỏ bán ra ồ ạt với số lượng lớn, đến khi giá cà phê lên 50.000 đồng/kg thì hết sạch hàng.
Tháng 5/2023, giá cà phê tăng phi mã. Sang đầu tháng 6, cà phê khan hiếm giá tiếp tục tăng mạnh và lập kỷ lục lịch sử 67.000 đồng/kg vào tháng 7/2023.
“Lần đầu tiên trong 25-30 năm qua, rất nhiều cuộc khảo sát về vùng nguyên liệu cà phê được tiến hành. Gần như các kho hàng cà phê trống rỗng, không có lấy một vài bao”, ông Thông nói.
Giá nông sản ngày 11/2: Hồ tiêu cao nhất đạt 84.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 83.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 83.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 81.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 81.500 - 84.000 đồng/kg. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng 500 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt 267 nghìn tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022.
Trong năm qua, châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm hơn một nửa lượng hạt tiêu xuất khẩu của năm 2023. Điều đáng nói, Trung Quốc đã tăng mua rất mạnh hạt tiêu Việt Nam và vượt xa Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt hơn 60.000 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương nước này. Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Trong năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao do thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu. Tại thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, dư địa dành cho hồ tiêu Việt Nam vẫn còn lớn, khi các sản phẩm của nước ta chưa thâm nhập sâu vào các địa phương trong nội địa nước này.
Bên cạnh đó, mặc dù diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm (năm 2020 diện tích hơn 130.000ha, năm 2023 chỉ còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn) nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị thế là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% thị phần. Bỏ xa quốc gia ở vị trí thứ 2 là Brazil 73.300 tấn, trị giá 227,7 triệu USD. Đồng thời xét trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng trong khi các nước sản xuất hàng đầu khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... đều sụt giảm.