Sẽ còn 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023
Theo CNBC, kết thúc cuộc họp chính sách ngày 14/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5%-5.25%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại buổi họp báo hôm 14/6. Ảnh: Getty
Tuyên bố của Fed nêu rõ: "Giữ nguyên lãi suất tại thời điểm này cho phép Ủy ban thị trường mở (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đánh giá thêm thông tin và tác động của chính sách tiền tệ”.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 25-26/7.
Đây là quyết định không bất ngờ vì thị trường đều đã dự báo từ trước, trong đó hướng tới kịch bản Fed giữ nguyên lãi suất sau khi Chủ tịch Jerome Powell và Phó Chủ tịch Philip Jefferson báo hiệu sẽ có một vài thay đổi với các tiếp cận.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Fed cho biết sẽ dành 6 tuần tới để đánh giá ảnh hưởng từ các động thái chính sách trước đó tới cuộc chiến chống lạm phát.
Điểm đáng chú ý của cuộc họp lần này là biểu đồ dot-plot, trong đó thể hiện kỳ vọng lãi suất của các quan chức Fed trong tương lai.
Nhiều quan chức Fed đã nâng kỳ vọng lãi suất trong phần còn lại của năm nay. Mức kỳ vọng lãi suất chuẩn trung vị vào cuối năm 2023 là 5,6%, cao hơn phạm vi 5-5.25% hiện tại. Điều này ám chỉ Fed có thể thực hiện thêm 2 đợt nâng lãi suất trong 4 cuộc họp còn lại của năm 2023.
Các quan chức Fed đều nhất trí giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, nhưng vẫn bất đồng về đường đi của lãi suất sau này. Hai thành viên dự báo sẽ không còn đợt tăng lãi suất trong năm nay, trong khi bốn thành viên tin rằng sẽ có 1 đợt nâng lãi suất và 9 thành viên kỳ vọng có 2 đợt nâng lãi suất. Thậm chí, hai thành viên khác cho rằng sẽ còn 3 lần tăng lãi suất nữa và 1 người dự đoán về 4 đợt nâng, với mức 0,25%.
Dự báo giảm lãi suất trong năm 2024
Các thành viên FOMC cũng nâng dự báo lãi suất cho những năm sau. Họ kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức 4,6% trong năm 2024 và 3,4% trong năm 2025, cao hơn dự báo trước đó là 4,3% và 3,1%.
Tuy nhiên, với dự báo này, Fed có thể sẽ giảm lãi suất 1 điểm phần trăm vào năm 2024. Kỳ vọng lãi suất dài hạn của Fed ở mức 2,5%.
Phát biểu tại họp báo hôm 14/6, khi được hỏi về khả năng giảm lãi suất, Chủ tịch Fed Powel nói rằng việc giảm lãi suất chỉ hợp lý khi lạm phát đã giảm "thực sự đáng kể".
"Như mọi người cũng thấy, không có ai trong FOMC dự báo giảm lãi suất trong năm nay. Tôi cũng không nghĩ việc giảm lãi suất ngay lúc này là hợp lý. Các yếu tố để đưa lạm phát về mức mục tiêu của Fed đang ngày càng rõ ràng, đó là chỉ số giá tiêu dùng đã dần hạ nhiệt, thị trường lao động yếu hơn một chút và chuỗi cung ứng được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình để lạm phát thực sự giảm đáng kể sẽ phải mất một thời gian dài. Chính vì vậy, Fed buộc phải tiếp tục ghìm cương lạm phát", ông nói.
Ngoài ra, các thành viên Fed cũng nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Họ kỳ vọng GDP Mỹ tăng 1% trong năm 2023, thay vì 0,4% như dự báo trước đó. Các quan chức cũng lạc quan hơn về tỷ lệ thất nghiệp, dự báo ở mức 4,1% vào cuối năm nay, thay vì 4,5% như dự báo trước đó.
Về lạm phát, quan chức Fed nâng dự báo lên 3,9% với lạm phát lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) và hạ dự báo với lạm phát tổng thể xuống 3,2%. Nếu xét bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE - thước đo lạm phát yêu thích của Fed, con số dự báo tương ứng là 3,6% và 3,3%.
Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, khoảng 1 năm sau khi lạm phát bắt đầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Những đợt tăng này đã đưa lãi suất lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2007.
Lãi suất chuẩn tăng đã đẩy lãi suất thế chấp 30 năm lên hơn 7% và làm tăng cả chi phí đi vay với các mặt hàng tiêu dùng khác như cho vay mua ô tô hay thẻ tín dụng.
Các số liệu gần đây như PCE hay PPI cho thấy tốc độ tăng của lạm phát đang hạ nhiệt, dù người tiêu dùng vẫn phải trả chi phí cao hơn đối với nhiều mặt hàng. Trong tháng 5/2023, CPI tăng 4% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 2 năm. Tuy nhiên, thông báo của FOMC cũng lưu ý rằng “lạm phát vẫn ở mức cao”.