Nhận diện nhiều áp lực lạm phát
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 4,5%.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, mục tiêu này không quá nặng nề. Tuy nhiên không nên chủ quan vì tiềm ẩn những yếu tố vượt tầm kiểm soát, tạo áp lực lên lạm phát.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 4,5%.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, trong năm 2024, cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42% - thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023. Đây là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Tuy nhiên, trong năm 2024, lãi suất thực, mặc dù vẫn dương, nhưng đang thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024, đồng thời tốc độ tăng giá USD cũng cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024. Đây là những yếu tố có thể gây áp lực lên giá cả trong thời gian tới.
Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ.
Tuy nhiên, TS, Nguyễn Đức Độ nhận định, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Đức Độ dự báo 3 kịch bản. Trong kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3%. Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%. Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc kiểm soát CPI của Việt Nam trong năm 2025 đối mặt với một số thách thức chính như: giá dầu và lương thực trên thị trường quốc tế có thể biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát trong nước còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn. Hiện, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các thị trường như Mỹ và Trung Quốc. Sự suy giảm nhu cầu hoặc căng thẳng thương mại từ các thị trường này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất và từ đó tác động đến giá cả trong nước.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt ra với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Để đạt được mục tiêu này, PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh lãi suất và cung tiền để kiểm soát lạm phát. Điều tiết tỷ giá ngoại tệ để tránh biến động lớn, giảm thiểu tác động từ yếu tố nhập khẩu lạm phát. Việc tăng lãi suất có thể làm giảm cầu tín dụng, từ đó hạn chế chi tiêu và đầu tư, giúp kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, lãi suất cao có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Đi đôi với đó, cần có chính sách tài khóa thận trọng, hạn chế bội chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách thông qua việc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chi tiêu công và thâm hụt ngân sách giúp giảm áp lực vay nợ, từ đó ổn định CPI. Cắt giảm chi tiêu không hiệu quả có thể gây khó khăn trong một số lĩnh vực xã hội. Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Nhà nước kiểm soát giá các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh tăng giá đột biến. Dự trữ quốc gia để can thiệp khi cần thiết. Kiểm soát giá các mặt hàng chiến lược giúp giảm áp lực lên CPI, nhưng cần cân đối để không làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong năm 2025, đây là biện pháp nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất và ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ. Đẩy mạnh sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Đặc biệt, cần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giảm nguy cơ lạm phát do tỷ giá và giá cả quốc tế tăng. Tuy nhiên, cần thời gian và nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất. Kiểm soát nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để tăng nguồn thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thương mại. Hạn chế nhập khẩu không cần thiết giúp giảm áp lực lạm phát do cầu vượt cung. Tuy nhiên, cần tránh các biện pháp bảo hộ quá mức gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại quốc tế.