Sở NN&PTNT đã đề nghị, UBND tỉnh xem xét cho hoạt động trở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có kiểm soát... để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Một trang trại chăn nuôi vẫn duy trì phát triển đàn lợn dù đang có những ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 |
Tiêu thụ lợn tại Đồng Nai có xu hướng tăng
Theo tính toán từ ngành nông nghiệp Đồng Nai, tại thời điểm tháng 6/2020, đàn lợn cả nước là 23.050.000 con, riêng Đồng Nai là 2.449.000 con; giá lợn là 87.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại thời điểm tháng 6/2021, đàn lợn cả nước là 25.723.000 con, Đồng Nai là 2.484.000 con; giá lợn là 53.000 - 58.000 đồng/kg.
Như vậy, trong 12 tháng vừa qua, đàn lợn của tỉnh Đồng Nai vẫn ổn định, nhưng giá lợn đã giảm khoảng 30% do đàn lợn tại các địa phương trong nước cả nước phục hồi (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020), nhập khẩu thịt đông lạnh tăng so với những năm trước đây. Bên cạnh đó, giá lợn của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc đều giảm do nguồn cung tăng.
Theo số liệu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai), sản lượng lợn cung ra thị trường trong 12 tháng vừa qua ổn định khoảng 8.000 - 8.500 con/ngày. Trong những ngày cách ly xã hội (12/7/2021- 18/7/2021) sản lượng tăng 7% so với thời điểm tháng 6/2021. Vì vậy, việc tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng ngay cả trong thời điểm áp dụng các biện pháp cách ly xã hội.
Giá thành sản xuất so với giá bán hiện nay là hòa vốn (đối với chăn nuôi quy mô nhỏ) và lãi khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng/con đối với các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn tự sản xuất được con giống. Hầu hết các lò mổ ở Đồng Nai vẫn hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: “Hiện tại tỉnh Đồng Nai có trên 300.000 lợn nái (tương đương tổng đàn 3 triệu con lợn thịt), nhưng Đồng Nai còn cung ứng giống cho các tỉnh, thành khác. Hiện nay nếu nuôi được lợn nái, sau khi lợn nái đẻ nuôi thành lợn thịt luôn thì vẫn lãi 0,5 - 1 triệu đồng/con lợn thịt. Gần 18 tháng qua, người chăn nuôi lợn tại tỉnh Đồng Nai vẫn duy trì mức lãi 60 - 100% (giá thành 45 ngàn đồng/kg, bán 80 - 90 ngàn đồng/kg, lúc cám chưa tăng giá). Như vậy, nếu giá lợn có giảm như hiện nay thì người chăn nuôi lợn cũng không lỗ nhiều (lời 1 năm, lỗ 2 năm vẫn trụ được)”.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, tỉnh Đồng Nai chủ yếu là chăn nuôi trang trại. Theo quy luật thì có lời, có lỗ nên người chăn nuôi sẽ tính toán để khi giá tăng thì có lợn bán. Bên cạnh đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm khoảng 10% trong tổng sản lượng lợn của Đồng Nai), phần lớn những trường hợp này nuôi theo phong trào, tức giá cao thì đầu tư và thường bán khi giá thấp. Như vậy, về tổng quan, đàn lợn tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng trưởng trong, không ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.
Đàn lợn tại một cơ sở chăn nuôi thuộc 'thủ phủ chăn nuôi lợn' Đồng Nai. |
Vận chuyển, giết mổ và phân phối cần liền mạch
Theo ông Nguyễn Trường Giang, thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên các lò giết mổ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đóng cửa lò. Vì vậy sản lượng lợn kiểm dịch và kiểm soát giết mổ về Đồng Nai tăng lên. Tại Đồng Nai, các chợ đầu mối và truyền thống đóng cửa nhưng hệ thống siêu thị tăng lượng tiêu thụ lợn lên gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên giá lợn thịt tại các siêu thị cao hơn chợ truyền thống trước đó, cho nên cần linh hoạt để hoạt động lại các chợ sẽ thuận lợi hơn cho tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, trong quá trình nuôi, vận chuyển đến nơi giết mổ, phân phối đến người tiêu dùng qua các kênh khác nhau là các khâu liền mạch, nếu thiếu sẽ dẫn đến đứt gãy cả chuỗi.
Vì vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cần tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các vùng đang dịch bệnh, nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến với người dân có nhu cầu. Hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị chính quyền địa phương các cấp xem xét cho hoạt động trở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có kiểm soát để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đồng Nai, diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp. Bên cạnh các chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm thời đóng cửa thì các cơ sở, lò giết mổ gia súc, gia cầm có nguy cơ lần lượt tạm thời đóng cửa do xuất hiện các bệnh nhân F0.
Trong khi hiện nay, việc tìm các giải pháp gỡ khó cho lưu thông hàng hóa lần lượt được thực hiện thì vấn đề duy trì, mở lại các cơ sở giết mổ cần sớm được nhận thức rõ, nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm vật nuôi. Đồng thời để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, các cơ sở giết mổ cần triển khai, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của ngành y tế.