Sau hàng loạt sự cố mất an toàn máy bay, trễ chuyến và trực tiếp liên quan đến hàng loạt sai phạm của Cảng vụ Hàng không miền Nam về quản lý và vận hành tài sản công của Vietjet xảy ra… |
Các phiên giao dịch đầu năm mới luôn được xem là “tuần trăng mật” của TTCK. Chỉ số Vn Index luôn tăng điểm theo sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của các ngành hàng, của nền kinh tế. Ngành Hàng không cũng theo đó mà tăng điểm.
Toàn ngành có 11 mã cổ phiếu niêm yết thì 8 loại cổ phiếu đã tăng điểm, 3 loại cổ phiếu giảm điểm. Trong đó, đáng chú ý nhất là “màu đỏ” trên bảng điện tử của cổ phiếu VJC.
Dù kết quả kinh doanh năm 2018 của VJC vượt kế hoạch đề ra. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 trước kiểm toán của VietJet cho thấy, tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kết hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.
Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và đạt 112% so với kế hoạch. Doanh thu phụ trợ tăng trưởng 57% so với cùng kỳ, trong đó cơ cấu doanh thu phụ trợ có sự chuyển dịch từ 25% năm 2017 lên gần 27% năm 2018.
Số dư tiền mặt của VietJet tính tới 31/12/2018 đạt 7.161 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp là 0,04 lần. Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6%. Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,5.
VietJet thực hiện 118.923 chuyến bay với 105 đường bay bao gồm 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc…
Đúng ra với kết quả kinh doanh đẹp long lanh như thế thì cổ phiếu VJC sẽ có nhiều cơ sở để “cất cánh” trên TTCK mới phải. Nhưng VJC lại giảm mới lạ. Thống kê trong 25 phiên giao dịch gần nhất, VJC đã có tới 15 phiên giảm và đứng giá. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị giao động từ những “sự cố” trong hoạt động vận chuyển hành khách của hãng Hàng không VietJet ? VJC vì thế đã trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư so với các cổ phiếu cùng loại.
… Thì cổ phiếu của hãng này đã có nhiều phiên liên tiếp giảm điểm! |
Trên mạng xã hội, niềm tin của hành khách vào “hệ số an toàn” cũng vơi đi nhiều, khi di chuyển trên các chuyến bay của VietJet. Liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/12/2018 vừa qua, máy bay của hãng Hàng không này gặp sự cố kỹ thuật tới 3 lần. Sự cố nổ lốp máy bay mới đây (trong chuyến bay từ Phú Quốc đi TP.HCM) cũng làm cho hàng trăm hành khách phải kinh hồn bạt vía. Dù sau đó, hành khách đã được di chuyển vào nhà ga an toàn. Tàu bay của VietJet sau đó được thay lốp, để đảm bảo lịch trình bay tiếp theo.
Theo khẳng định của Hãng hàng Không VietJet, an toàn của hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi cảnh báo đều được kiểm tra, xử lý theo quy trình. Đặc biệt, hãng này còn cho rằng, đây cũng là tình huống thông thường của đặc thù khai thác hàng không. Nhưng hành khách lại không đồng tình với cách lý giải đó, vì chỉ sai sót nhỏ thôi cũng có thể gây ra một vụ tai nạn hàng không thảm khốc, cướp đi hàng trăm mạng sống...
Ngoài các “sự cố” trong vận chuyển hành khách, hãng Hàng không VietJet còn liên quan đến “rắc rối” về pháp lý khác với Cảng vụ Hàng không miền Nam. Cụ thể, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Thanh Hà vừa ký thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tại Cảng vụ Hàng không miền Nam.
Qua thanh tra đã phát hiện hàng loạt các sai phạm tại đơn vị này. Cảng vụ Hàng không miền Nam cho VietJet mượn tầng 3 trụ sở Cảng vụ Hàng không miền Nam làm trung tâm đào tạo từ ngày 1/10/2013 - 1/1/2016. Đổi lại, VietJet sẽ chi trả cho Cảng vụ Hàng không miền Nam số tiền 3,78 tỷ đồng tiền chi phí điện nước, văn phòng phẩm, thuê cây cảnh.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, về bản chất đây là hành vi thuê tài sản chưa đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Sai phạm này thuộc về trách nhiệm của bà Trần Thụy Minh - nguyên Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam (hiện đã nghỉ hưu). Đến thời kỳ ông Trần Doãn Mậu, hiện giữ chức Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có công văn đòi lại nên cuối năm 2016, VietJet đã trả lại tầng 3 trụ sở của Cảng vụ Hàng không miền Nam.
VietJet đạt kết quả kinh doanh năm 2018 vượt xa kế hoạch là cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu VJC. Điều này cũng có nghĩa là thị trường của VietJet liên tục được mở rộng, lượng hành khách sử dụng dịch vụ của hãng này cũng gia tăng, tần suất hoạt động của các tàu bay luôn ở mức cao…
Nhưng từ các “sự cố” đã qua, hành khách không muốn “chất lượng” các chuyến bay của VietJet giảm thêm nữa!