Cả ba hãng hàng không lớn tại Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific vừa có văn bản đề xuất tăng giá vé với lý do giá xăng dầu trên thế giới liên tục dao động theo chiều hướng tăng.
Riêng Jetstar Pacific đề nghị tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại.
Báo lãi lớn, 3 hãng hàng không vẫn đề xuất tăng giá vé máy bay.
Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, hiện khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng là vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500km - 800km là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều. Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo Quyết định 3282 của Bộ Tài chính với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.
Đáng lưu ý, mức giá này được tính theo phương án giá nhiên liệu Jet A1 thời điểm tháng 12-2014 là 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít (tương đương khoảng gần 2,1 triệu đồng/thùng). Trong khi đó, hiện tại, giá nhiên liệu đang ở mức 88,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,65 triệu đồng/thùng).
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của doanh nghiệp này cho biết, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, những lúc cao nhất lên đến 38%.
Cũng theo ông Hiền, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của doanh nghiệp này tăng theo khoảng 230 tỷ đồng/năm.
Đề xuất tăng giá vé máy bay được đưa ra trong bối cảnh cả ba hãng hàng không đều có kết quả kinh doanh thuận lợi.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng lợi nhuận của hãng đã vượt kế hoạch 6 lần, hiệu quả hơn 523 tỷ so với cùng kỳ, và có lãi ấn tượng sau nhiều năm được giới quan sát nhận định là kinh doanh lỗ.
Cũng theo hãng bay này, tình hình kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tỷ giá USD cùng giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng tổng chi phí của Jetstar Pacific trong 7 tháng đầu năm 2018 lãi giảm 1% so với kế hoạch. Doanh thu tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2017 và vượt 3% so với kế hoạch năm 2018.
Công ty mẹ của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines cũng có nửa đầu năm thuận lợi. Riêng quý II, lợi nhuận sau thuế là 309 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ.
Trong tổng doanh thu quý II của Vietnam Airlines, doanh thu bán vé chiếm 18.927 tỷ đồng. Đồng nghĩa hãng thu về khoảng 210 tỷ đồng tiền vé máy bay mỗi ngày.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu 47.943 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 83%, lên mức 1.511 tỷ đồng, hoàn thành 49,38% kế hoạch doanh thu năm 2018 và hơn 62% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, lãi lớn nhất trong ngành hàng không Việt vẫn là Vietjet Air. Hãng hàng không giá rẻ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có doanh thu quý II đạt 8.637 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với cùng kỳ năm 2017 (tăng hơn 52%).
Với doanh thu này, lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế quý này đạt hơn 711 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet Air thu về tổng cộng hơn 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động vận tải truyền thống, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ trên Bloomberg rằng các hoạt động phụ trợ cũng mang lại khoản tiền đáng kể, tăng đến 50% so với nửa đầu năm 2017. Đây là những khoản tiền bán đồ ăn, vật dụng trên máy bay, hoặc bảo hiểm du lịch.
Về kế hoạch phát triển đội bay, đại diện hãng cho hay đang nhận 17 máy bay từ Airbus, nâng tổng đội bay lên 66 máy bay. Từ đầu năm đến nay hãng đã nhận 4 máy bay Airbus A321, 13 chiếc còn lại nhận trong 6 tháng cuối năm.
Trong năm 2019, VietJet Air sẽ nhận tiếp 12 máy bay, đưa tổng đội bay đạt con số 78.
2019 cũng là năm hãng dự kiến mở thêm 21 đường bay mới. Trong đó 15 đường bay quốc tế, 6 đường bay nội địa, bao gồm cả các đường bay đến sân bay mới Vân Đồn.
Trước đề xuất của ba hãng bay, trao đổi với VTC News, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu các hãng đề xuất tăng giá trần thì đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.
“Tôi được biết, hiện nay, các hãng hàng không vẫn đang áp dụng mức vé theo giá trần. Nếu họ không vượt mức giá trần thì việc đề xuất đó là quyền của họ vì họ là những doanh nghiệp kinh doanh. Vấn đề cần xem xét xem những vấn đề mà họ đề xuất ấy có vượt trần không.
Quản lý nhà nước hiện nay đối với hàng không là nhà nước thông qua quản lý trần đối với giá vé. Bây giờ, họ đề xuất tăng giá vé thì phải xem xét rõ là họ xin tăng giá vé hay tăng trần giá vé. Nếu họ đề xuất tăng trần giá vé thì lúc đó mới là chuyện phải bàn, còn nếu họ chỉ đề xuất là tăng giá vé thì đó là việc của các hãng” - TS Vũ Đình Ánh nói.