Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), trên thế giới, đã có nhiều quốc gia xác định sản phẩm nông sản chủ lực để khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bộ chỉ số thống nhất nào để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, tùy theo từng điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng như mục tiêu về chính trị, an sinh xã hội của mỗi quốc gia mà các nước này lựa chọn sản phẩm nông sản chủ lực để tập trung phát triển.
Ảnh minh họa.
Qua tổng quan kinh nghiệm quốc tế về xác định và phát triển sản phẩm chủ lực, có bốn nhóm tiêu chí chính mà hầu hết các nước đều sử dụng để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, bao gồm:
1- Nhóm tiêu chí về kinh tế;
2- Nhóm tiêu chí về xã hội;
3- Nhóm tiêu chí về môi trường;
4- Nhóm tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển.
Dựa trên các tiêu chí này, Bộ NN&PTNT đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm: 1- Lúa gạo; 2- Cà phê; 3- Cao su; 4- Điều; 5- Hồ tiêu; 6- Chè; 7- Sắn và sản phẩm từ sắn; 8- Sâm; 9- Rau quả; 10- Lợn; 11- Bò (thịt); 12- Gà; 13- Cá tra; 14- Tôm (gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm); 15- Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Đáng chú ý trong 15 sản phẩm được đề xuất ngoài những sản phẩm truyền thống như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè thì sâm cũng được chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực.