Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Long đã “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng “trọn gói” 60.000 tấn gạo lứt Japonica (loại gạo có giống từ Nhật Bản) và 2.800 tấn gạo trắng hạt dài sang thị trường khó tính Hàn Quốc.
Việt Nam trúng thầu xuất khẩu 60.000 tấn gạo sang Hàn Quốc.
Theo đó, có 2 lô hàng gạo hạt tròn Japonica khối lượng 20.000 tấn/lô giá 638 USD/tấn, 1 lô khối lượng 20.000 tấn giá 648 USD/tấn, giao tới các cảng Incheon, Ulsan và Masan của Hàn Quốc. Thời gian giao hàng muộn nhất đến giữa tháng 9/2018.
Trong khi đó, lô 2.800 tấn gạo trắng hạt dài có giá 513USD/tấn, giao đến cảng Busan trong tháng 12 tới. Số gạo trúng thầu trên được ký qua 1 doanh nghiệp thuộc Chính phủ Hàn Quốc là Công ty Nông Thủy sản Hàn Quốc.
Điều này cũng cho thấy, việc “cởi trói” các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Chính phủ đã động lực cho các doanh nghiệp tư nhân phát huy được tính năng động, thể hiện năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, hạn chế sự thụ thuộc vào VFA và các doanh nghiệp lớn như Vinafood.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, hợp đồng xuất khẩu gạo hạt tròn Japonica sang Hàn Quốc lần này, Tân Long có thể thu về trên 40 triệu USD trong thương vụ này.
Như vậy, với thương vụ 60.000 tấn gạo Japonice lần này, tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Tân Long đã trúng 110.000 tấn gạo Japonica bán cho Chính phủ Hàn Quốc. Trước đó, hồi tháng 5/2018, đơn vị này cũng đã trúng thầu 50.000 tấn gạo Japonica cho đối tác Hàn Quốc.
Năm 2017, Việt Nam cũng đã thắng 2 đợt thầu tại Hàn Quốc và đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng với tổng số lượng hơn 41.000 ngàn tấn gạo thành phẩm, tất cả đều do Tập đoàn Tân Long thực hiện.
Được biết, Hàn Quốc là thị trường khó tính và có nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng và thời hạn giao hàng. Gạo muốn xuất sang Hàn Quốc phải đạt tiêu chuẩn số 3 của Mỹ, với các tiêu chí khắt khe với trên 370 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải dưới mức cho phép, chưa kể các yêu cầu về cảm quan như màu sắc, mùi vị, đồng đều về kích thước hạt.
Theo đại diện Tập đoàn Tân Long, do đã dựng được chuỗi sản xuất lúa gạo, bao gồm liên kết sản xuất lúa trực tiếp với người nông dân, sau đó sấy và tạm trữ lúa khô chờ xuất khẩu sản xuất gạo từ lúa thu hoạch, nhờ đó tập đoàn luôn chủ động đảm bảo nguồn cung và luôn đảm bảo chất lượng gạo thành phẩm.
Số liệu cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844.000 tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596.000 tấn và 280 triệu USD).
Trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.
Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017.