Ảnh minh họa |
Tại buổi tọa đàm “Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” được tổ chức ngày 28/6.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, theo kết quả nghiên cứu về chính sách nội địa và các cam kết quốc tế ảnh hưởng tới ngành bán lẻ Việt Nam, có đến 60% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng các chính sách hỗ trợ có lợi cho doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp nội địa.
Theo bà Trang, nhiều địa phương đã không sử dụng các công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) để hạn chế cấp phép cho nhà bán lẻ nước ngoài, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp nội địa.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, nhà bán lẻ trong nước gặp nhiều rủi ro và bất lợi về mặt chính sách. Việc lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí vận chuyển cao, lại phải “lót tay” nếu muốn đưa hàng vào siêu thị...
Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có nguồn vốn vay lãi suất thấp hoặc quỹ đầu tư tín dụng riêng nào cho doanh nghiệp bán lẻ khiến giá thành sản phẩm trong nước cao, chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Viêt Nam chưa quan tâm đến việc phản biện chính sách. “Có thể thấy sự tràn lan của các hệ thống Lotteria, McDonald's... là sai quy định nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa lên tiếng, hoặc có lên tiếng nhưng chưa đủ để được ghi nhận. Do đó, thái độ ứng xử của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần tích cực và quyết liệt hơn để quyền lợi và ý kiến của mình không bị bỏ quên”, bà Loan nhấn mạnh.