Nhằm tránh việc lây lan bệnh dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND TP yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm thời đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên, từ 3 ngày nay nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa đến hết ngày 15/4.
Nhiều hàng quán đóng cửa vì dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một cửa hàng ăn uống tại phố Duy Tân (Cầu Giấy) cho biết, từ ngày khởi phát dịch, lượng khách đến ăn tại đây giảm hẳn thay vào đó là việc tăng đơn hàng đặt qua mạng.
“Được tin có dịch thì cửa hàng của tôi không tiếp khách ăn ở đây nữa mà chỉ bán online. Những người đến lấy hàng như Grab, Goviet hoặc Now... tôi mới bán. So với trước đây, từ ngày dịch Covid xuất hiện, lượng đơn tăng lên 30-40% ”- anh Hòa chia sẻ.
Ngoài ra, anh Hòa cũng cho biết thêm, để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người sử dụng, anh yêu cầu các nhân viên trong cửa hàng luôn phải sát khuẩn tay chân sạch sẽ, đeo khẩu trang và đeo găng tay cẩn thận trong quá trình chế biến thức ăn. Đồng thời, khi có shipper tới lấy hàng, nhân viên chỉ mở hé cửa và lần lượt giao cho từng người một chứ không giao ồ ạt để tránh hiện tượng chen chúc.
“Gia đình sinh sống 3 thế hệ có cả người già và trẻ nhỏ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong nước đã xuất hiện những ca bệnh lây nhiễm chéo nên thay vì đi chợ truyền thống như trước giờ mình đặt mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín với số lượng lớn rồi họ chuyển tới tận nhà. Gia đình trữ đông thực phẩm trong tủ lạnh và thường sử dụng trong khoảng 1 tuần. Thức ăn đông đá dù không thể ngon như hàng tươi sống chế biến luôn nhưng vì đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người nên tạm thời mình lựa chọn phương án mua online này. Tương tự các mặt hàng rau xanh, củ quả cũng được tôi đặt mua để sử dụng trong vài ba ngày; rau xanh sử dụng trước, củ quả để được lâu hơn thì chế biến vào những ngày sau”, chị Ngọc Hà cũng đồng quan điểm và đang lựa chọn hình thức đi chợ online để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Không chỉ quán ăn, nhiều cửa hàng thời trang cũng chuyển sang bán online. Chị Thu Phương, chủ cửa hàng thời trang trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), cho hay: “Trước đây, chúng tôi duy trì bán song song qua 2 kênh trực tiếp và online. Từ tuần này trở đi, chúng tôi tạm đóng cửa trong 2 tuần, cửa hàng vẫn tiếp tục bán hàng online trên Facebook và Instagram. Hàng mới sẽ được cập nhật hàng ngày và chúng tôi miễn phí tất cả đơn hàng trên toàn quốc”.
Cùng với sự gia tăng của các đơn đặt hàng online, công việc của các shipper cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, với đặc thù công việc phải đi lại nhiều nơi và tiếp xúc với nhiêu người, shipper cũng là đối tượng có khả năng lây nhiễm virus nhiều nhất hiện nay.
Ý thức được vấn đề này, các công ty quản lý đã liên tục nhắn tin nhắc nhở, yêu cầu shipper phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn bên ngoài các túi đồ ăn.
Anh Nguyễn Văn Chiến (một nhân viên giao hàng của Now) cho biết: “Tôi luôn mang theo nước rửa tay khô và khi đi ra đường. Mỗi lần giao nhận hàng tôi đều sát khuẩn tay trước, lúc giao hàng sẽ cố gắng giữ khoảng cách tối tối đa với người nhận, hoặc đối với khách đã chuyển tiền trước thì tôi có thể gọi điện rồi đặt đồ ăn trước cổng cho khách để lúc khách xuống lấy không cần phải tiếp xúc với shipper”.
Tận dụng dịp này, nhiều người trước kia vốn làm các công việc khác nhưng do ảnh hưởng của dịch đã chuyển sang nghề shipper mưu sinh. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Duy (ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh vốn là nhân viên bán hàng nhưng do công ty khó khăn, cắt giảm nhân sự nên anh đã chuyển sang làm nghề shipper.
“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lượng khách đi xe ít hơn nhưng lượng khách đặt đồ ăn, giao hàng qua app lại tăng lên nhiều. Đơn hàng gần như liên tục, chỉ khi tắt ứng dụng thì không có đơn còn đâu lúc nào cũng kín đơn”, anh Duy chia sẻ.
Cũng tạm thời thay thế công việc cũ để đi làm nghề giao hàng kiếm thêm thu nhập, anh Trần Bá Hùng (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, công việc của anh là nhân viên tiếp thị, song trong bối cảnh hiện nay, anh kiêm thêm công việc shipper để có thêm thu nhập. Theo anh Hùng, mỗi đơn hàng anh có thể đút túi khoảng 20.000-30.000 đồng/hành trình, tùy độ dài quãng đường.
“Có ngày tôi giao được 30 đơn hàng thành công, thu nhập khoảng 600.000 đồng, song cũng nhiều lúc tôi cũng phải đối diện rủi ro vì khách “bom" hàng”, anh Hùng kể.
Tuy nhiên, làm shipper thời điểm này cũng gặp nhiều áp lực bởi đơn hàng được chuyển đến hàng ngày đều tăng vọt, khách hàng nào cũng muốn giao hàng nhanh nên họ luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, công việc này cũng có nhiều rủi ro khi dịch Covid-19 lan rộng. Thông thường, các shipper phải trang bị cho mình nước rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang, mặc áo khoác, đi găng tay để bảo vệ bản thân và phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra với khách hàng.
Còn về đối với người nhận, nên đeo khẩu trang khi nhận đồ, rửa tay sạch sẽ sau khi nhận đồ và mở thức ăn; khử khuẩn các vật dụng trước khi ăn và nếu có thể nên áp dụng việc thanh toán trước qua thẻ để hạn chế tiếp xúc lâu với ship…
Theo thống kê của Sở Công thương, vì lo ngại dịch COVID-19 nên doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50 - 80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 - 30%.