Ngày 2/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang cho biết, đang xem xét các tình tiết liên quan để đưa ra quyết định có khởi tố khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và bắt tạm giam Bùi Ngọc Thuận, sinh năm 1993, ngụ khu phố 5, phường Bình San, TP Hà Tiên vì trốn cách ly tập trung để về nhà thăm vợ hay không, và vì có hành vi chống đối người thi hành công vụ và dương tính với chất ma túy.
Trưa 27,3, Thuận từ Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên về Việt Nam nên được lực lượng chức năng cho cách ly tại khu cách ly tập trung kho ngoại quan TP Hà Tiên. Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, Thuận trèo tường rào, trốn về thăm mẹ ruột tại xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Thuận trở về nhà vợ tại TP Hà Tiên.
Bùi Ngọc Thuận (trong vòng đỏ) lúc vừa được đưa vào khu vực cách ly tập trung. Ảnh: P.V
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Tiên đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền, thuyết phục và yêu cầu Thuận trở lại khu cách ly.
Đến sáng 28/3, Thuận vẫn không chấp hành lệnh cách ly tập trung nên lực lượng chức năng đã cưỡng chế. Đồng thời, thực hiện cách ly tập trung đối với mẹ ruột và vợ của Thuận cũng như xác định thêm những người đã tiếp xúc với thanh niên này trong khoảng thời gian bỏ trốn khỏi khu vực cách ly. Vào chiều 29/3, khi được yêu cầu Thuận cho lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, ma túy và cả HIV thì thanh niên này lại có hành vi chống đối, thách thức và chửi bới lực lượng chức năng.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn LS TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp này, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên hoàn toàn đủ cơ sở để khởi tố vụ án và khởi tố bị can với đối tượng Thuận vì có các hành vi như đã nói.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng, Mục 1.1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 thì người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng nghi ngờ có dịch đã được thông báo cách ly mà thực hiện một trong các hành vi như trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai gian dối mà gây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lậy lan dịch bệnh nguy hiểm” sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Trở lại với các trường hợp trốn cách ly, thậm chí chống người thi hành công vụ đang thực thi nhiệm vụ chống dịch, có thể thấy không chỉ trường hợp của Bùi Ngọc Thuận, mà mới đây, ngày 01/4 trường hợp tương tự cũng xãy ra tại Kotum. Thông tin từ Công an TP Kon Tum,tỉnh Kon Tum cho biết, đang tạm giữ đối tượng Chu Văn Tùng, sinh năm 2000, trú huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để điều tra về hành vi cướp ô tô và đánh bị thương công an trên đường bỏ trốn cách ly.
Trước đó, vào trưa ngày 1/4, Tùng điều khiển xe máy BKS 81U1-258.09 từ tỉnh Gia Lai lên Kon Tum. Khi đến khu vực Sao Mai (giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Tùng được lực lượng chức năng của TP. Kon Tum hướng dẫn vào làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và sẽ bị cách ly theo quy định của tỉnh nhưng Tùng không hợp tác.
Xe bán tải Chu Văn Tùng cướp để bỏ trốn cách ly, rồi vứt lại trên đường - Ảnh Vienamnet
Đến gần 14g cùng ngày, khi đang đợi phương tiện chở mọi người về cách ly, Tùng bất ngờ nhảy lên cửa phụ một xe bán tải đang nổ máy khi chủ phương tiện đang khai báo y tế), và lái xe bỏ chạy. Trên đường bỏ chạy, Tùng tiếp tục đánh một người dân, cướp điện thoại rồi bỏ trốn, khoảng 20g cùng ngày, Chu Văn Tùng bị bắt khi đang lẩn trốn tại khu vực đồi Sao Mai, xã Hoà Bình TP. Kon Tum.
Ngoài ra, ít nhất còn có 2 trường hợp khác xãy ra tại tỉnh Tây Ninh. Đó là trường hợp của Lê Văn Vũ, 29 tuổi, ngụ xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 19/3, Vũ nhập cảnh từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, được đưa vào khu cách ly tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu mới được 10 ngày thì bỏ trốn trong tình trạng chưa được xét nghiệm Covid-19.
Lực lượng chức năng đã tổ chức truy tìm và phát hiện anh này tại quận Tân Phú TP Hồ Cí Minh. Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý hành chính và yêu cầu Vũ thực hiện cách ly nghiêm chỉnh lại từ đầu trong 14 ngày.
Trước đó, ngày 30/3 Nguyễn Thành Nam từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Nam được lực lượng chức năng đưa về cách ly tại Trường THCS Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành trong 14 ngày. Tuy nhiên, khi cách ly được 9 ngày, Nam đã bỏ trốn và chưa được xét nghiệm Covid-19.
Hay như trường hợp của ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT của Công ty điện gió ở Quảng Trị, thay vì thuộc đối tượng phải đi cách ly đã cố tình đánh tráo người đi thay. Trường hợp này cũng có thể xem như là hành vi trốn cách ly.
Mặc dù thời điểm xãy ra hành vi trốn cách ly của ộng L.T.H, hay Lê Văn Vũ, Nguyễn Thành Nam là trước ngày TAND Tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC, nhưng Luật sư Trần Đình Dũng khẳng định đây cũng là trường hợp vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo tinh thần Công văn số 45.
Bởi theo Luật sư Trần Đình Dũng, Công văn số 45 không phải “Văn bản qui phạm pháp luật” theo qui định tại Điều 4 Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật năm 2015, nên không liên quan đến nguyên tắc “bất hồi tố”. Công văn này chỉ là “công văn nội bộ hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử” gửi đến các Chánh án Tòa án các cấp.
Như vậy, các trường hợp về cách ly phòng dịch Covid-19 nếu vi phạm pháp luật hình sự làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý hình sự kể cả các hành vi trước khi có công văn của Tòa tối cao.
Dịch bệnh Covid-19 đang thách thức toàn cầu về kinh tế, sức khỏe và cả tính mạng con người. Ở nhiều quốc gia các hành vi như khai báo gian dối, che dấu dịch tễ, trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh, có thể bị phạt tù nhiều năm và bồi thường một số tiền không nhỏ.
Theo tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, dư luận đang chờ pháp luật xử lý thích đáng với những đối tượng như vậy để làm gương.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đâylàm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. (Khoản 1 Điều 240 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Bộ Luật hình sự năm 2015) |