Tieudung.vn đã có cuộc trao đổi với chuyên gia pháp luật hình sự Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh) để làm rõ vấn đề này.
Luật sư Trần Đình Dũng
PV: Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Công văn số 45 ngày 30/3/2020 cho phép có thể xử tù các trường hợp vi phạm nguyên tắc y tế phòng dịch bệnh Covid-19 trong cách ly, khai báo…. Và trước khi có công văn này đã có mấy trường hợp vi phạm gây hậu quả rất lớn, có xử lý hình sự họ được hay không?
- Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi đã đọc công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành ngày 30/3/2020 về việc “Xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Theo đó, công văn nêu cụ thể các hành vi phạm tội do vi phạm cách ly, khia báo y tế gian dối… Đây là vấn đề mà hiên nay dư luận đang rất quan tâm bởi cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, trong khi một số người thiếu ý thức đã gây ra bao phiền lụy, hậu quả và bức xúc cho toàn dân.
Sự việc đã xảy ra mấy ngày trước và nay mới có văn bản, vậy có xử lý hành vi trước hay không? Vấn đề này nhiều người hay nghĩ đến “nguyên tắc bất hồi tố” trong pháp lý. Bất hồi tố là một nguyên tắc pháp lý chung mà hầu hết luật pháp các quốc gia đều áp dụng. Tức kể từ khi ban điều luật có hiệu lực mới áp dụng, còn sự việc diễn ra trước khi có luật thì không xét tới. Chẳng hạn, kể từ ngày 1/1/2018 điều luật về “Tội trốn đóng bảo hiểm” mới có hiệu lực (Điều 216 BLHS) thì các hành vi trốn đóng bảo hiểm trước ngày 1/1/2018 là không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên một số trường hợp luật qui định hồi tố các hành vi trước đó theo qui định tại Điều 152 Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật năm 2015.
Tôi trở lại vấn đề công văn số 45. Đây là văn bản không phải “Văn bản qui phạm pháp luật” theo qui định tại Điều 4 Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật năm 2015, nên không liên quan đến nguyên tắc “bất hồi tố”. Công văn số 45 chỉ là “công văn nội bộ hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử” gửi đến các Chánh án Tòa án các cấp. Như vậy, các trường hợp về cách ly phòng dịch Covid-19 nếu vi phạm pháp luật hình sự làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý hình sự kể cả các hành vi trước khi có công văn của Tòa tối cao, và về chuyên môn pháp lý áp dụng được xác định theo công văn này.
Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao
Luật sư có thể cho biết một số trường hợp cụ thể đã phạt hành chính trước khi có công văn số 45 thì có bị phạt hình sự không?
- Tất cả các hành vi cấu thành tội phạm đều bị xử lý hình sự. Đó là nguyên tắc. Như trên đã nói, các tội danh được hướng dẫn áp dụng nêu trong công văn số 45, đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nên bây giờ vi phạm là xử lý theo luật.
Một số trường hợp gần đây như vi phạm của các bệnh nhân Covid-19, các facebooker… nếu đã xử phạt hành chính mà phát hiện hành vi đó cấu thành tội phạm thì vẫn phải hủy quyết định xử phạt hành chính để xử lý hình sự. Chúng ta không nên hiểu đã phạt hành chính là xong vì nó là trường hợp phát hiện trong áp dụng luật, chứ không phải luật có thay đổi.
Luật sư có nhận xét thêm gì về công văn số 45 này?
- Dịch bệnh Covid-19 đang thách thức toàn cầu về kinh tế, sức khỏe và cả tính mạng con người. Ở nhiều quốc gia các hành vi như khai báo gian dối, che dấu dịch tễ, trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh, có thể bị phạt tù nhiều năm và bồi thường một số tiền không nhỏ. Ở nước ta, bộ luật hình ban hành điều luật chưa cụ thể nên Hội đồng thẩm phán ra công văn hướng dẫn là kịp thời, theo tinh thần “Chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu.
Tôi cũng lưu ý thêm một vấn đề khác là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần nhanh chóng có công văn hướng dẫn các trường hợp bồi thường thiệt hại do người vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Xin cảm ơn luật sư.
Hà Nam (thực hiện)