Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến 6 giờ 12 phút ngày 31/3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 37.609. Tổng số ca nhiễm là 782.035. Có 164.753 ca hồi phục.
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)
Như vậy so với tối 30-3, số ca tử vong tăng 2.932 ca. Số ca nhiễm tăng 52.231 ca.
Các quốc gia có số ca tử vong ở ba con số: Hà Lan (864), Bỉ (513), Thụy Sĩ (359), Thổ Nhĩ Kỳ (168), Brazil (159), Hàn Quốc (158), Thụy Điển (146), Bồ Đào Nha (140), Indonesia (122), Áo (108).
Riêng Việt Nam ghi nhận 204 ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong.
Ý tiếp tục phong tỏa toàn quốc tới Lễ Phục sinh
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30/3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo chính phủ sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc "đến hết Lễ Phục sinh năm nay". Ông Speranza không nêu thời gian cụ thể nhưng Lễ Phục sinh rơi vào ngày 12/4 tới.
Số ca nhiễm mới tại Ý tiếp tục giảm trong ngày 30/3, đánh dấu ngày sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm tại Ý đã vượt mốc 100.000 người sau khi có thêm 4.050 ca nhiễm mới trong ngày 30/3. Số ca tử vong mới là 812 người, nâng tổng số người chết lên 11.591.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh đang dần đi vào ổn định ở Ý song cảnh báo 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định thành bại của các biện pháp chống dịch cứng rắn ở nước này. Một số chính trị gia ở Ý thậm chí còn cho rằng chính phủ nên duy trì lệnh phong tỏa hết tháng 4.
Mỹ đưa nhân viên nhà xác quân đội tới New York
Thiếu tướng Jeff Taliaferro thuộc Bộ tham mưu liên quân Mỹ ngày 30/3 xác nhận đã nhận được yêu cầu triển khai nhân viên nhà xác quân đội tới New York từ Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang.
Hiện quân đội Mỹ đang huy động nhân sự. Truyền thông Mỹ trước đó mô tả nhiều người dân ở New York đã bị sốc khi biết tin các nhà xác tại thành phố New York không còn chỗ trống. Chính quyền buộc phải lập các nhà xác dã chiến là những container đông lạnh ngay trên đường phố để chứa xác bệnh nhân COVID-19.
Lần cuối cùng New York lập nhà xác dã chiến kiểu này là trong vụ khủng bố 11/9 khiến hàng ngàn người thiệt mạng năm 2001.
Tây Ban Nha vượt Trung Quốc
Ngày 30/3, Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc, trở thành nước đứng thứ ba trong danh sách các nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với 85.195 ca nhiễm và 7.340 ca tử vong.
Trong 24h qua, Tây Ban Nha công bố thêm 812 ca tử vong do COVID-19 trong 24h qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 7.340 ca, đứng thứ hai thế giới sau Italy. Trong khi đó, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 cũng đã tăng thêm 5.085 ca, lên tổng số 85.195 trường hợp, vượt qua cả Trung Quốc nơi khởi phát dịch bệnh với 81.470 trường hợp. Trong số các ca nhiễm mới có người đứng đầu Trung tâm y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha, ông Fernando Simon. Ông Simon là người lãnh đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 và thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Pedro Sanchez.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca tử vong mới được ghi nhận trong 24h qua tại Tây Ban Nha giảm kể từ ngày 26/3 vừa qua. Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận 838 ca tử vong mới, mức cao kỷ lục trong một ngày. Giới chức Tây Ban Nha đánh giá tốc độ lây lan có xu hướng chậm lại xét cả về số ca tử vong lẫn số ca nhiễm, đồng thời bày tỏ hy vọng nước này đang tiến gần tới đỉnh dịch. Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua.
Anh mở rộng xét nghiệm, thêm hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày
Số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Anh đã tăng thêm 180 ca trong 24 giờ qua, lên 1.415 ca. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Anh đã đạt mức 10.000 xét nghiệm mỗi ngày và hướng tới mục tiêu 25.000 xét nghiệm/ngày.
Trong khi đó, một nhóm nhà nghiên cứu y học cùng các kỹ sư tại Anh đã hợp lực với đội đua xe Công thức 1 Mercedes trong dự án mang tên "Project Pitlane" nhằm cải tiến một thiết bị trợ thở, tiến tới sản xuất hàng loạt trong bối cảnh các bệnh nhân nặng mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang rất thiếu máy thông khí (máy thở). Theo các báo cáo từ Italy, khoảng 50% bệnh nhân sử dụng CPAP đã không cần tới máy trợ thở, do đó tránh được việc phải đặt ống nội khí quản cũng như không phải uống thuốc giảm đau. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể nhanh chóng sản xuất "hàng nghìn" thiết bị và cung ứng cho các bệnh viện trên toàn nước Anh trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng khi ngày càng có thêm nhiều ca mắc bệnh.
Pháp: Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục
Ngày 30/3, Pháp đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 24h kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 tại nước này, với 418 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 3.024 người, gần bằng với Trung Quốc. Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão. Ngoài ra, số ca nhiễm của Pháp đã lên tới 44.550 trường hợp, tăng 4.376 ca trong ngày 30/3.