Trong lúc cả hệ thống chính trị cùng toàn quân, toàn dân đang nỗ lực ra sức phòng, chống để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thì vẫn còn không ít người lợi dụng tình hình bệnh dịch để sản xuất, kinh doanh, nhất là mặt hàng trang thiết bị y tế, để thu lợi bất chính.
Ngày 27/3, Cục QLTT Vĩnh Long xử phạt vi phạm hành chính với bà Phạm Việt Đ, chủ hiệu thuốc PV tại chợ Cái Ngang, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, số tiền 25,7 triệu đồng và tịch thu số tiền bán quá giá hộp khẩu trang 252.000 đồng.
Hộp khẩu trang cao cấp Nice Star “dõm” của cơ sở 121A Lê Cao Lãng, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Quang làm chủ - Ảnh QLTT TP Hồ Chí Minh
Trước đó, ngày 13/2, Cục QLTT Quảng Ninh cũng có quyết định xử phạt 25 triệu đồng với bà Nguyễn Thị Sen, chủ hiệu thuốc Hoa Sen tại số 19, tổ 1, khu 8, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, vì lợi dụng dịch bệnh bà Sen bán 3 hộp khẩu trang với giá 200.000 đồng/hộp, tăng 140.000 đồng so với thời điểm trước khi có dịch.
Trong lúc thông tin xử phạt hành chính với bà Phạm Việt Đ, bà Nguyễn Thị Sen là niềm vui, phần nào đem lại lòng tin cho mọi người trong những ngày gian khó chống dịch, thì thông tin khác làm nhiều người chưa vừa ý, thậm chí là phẫn nộ.
Đó là việc cơ sở tại 121A Lê Cao Lãng, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú do ông Phạm Văn Quang làm chủ, sản xuất khẩu trang Nice Star “dõm” không có khả năng phòng chống dịch. Số lượng thu giữ khi kiểm tra là 27.550 chiếc. Nice Star được sản xuất theo quy trình gồm 3 lớp vải không dệt và 1 lớp giấy thường thay giấy lọc kháng khuẩn.
Hành vi này của ông Quang bị quy kết là hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là trang thiết bị y tế, nên Cục QLTT TP Hồ Chí Minh chỉ xử phạt hành chính mức 50 triệu đồng.
Trường hợp Nice Star “dõm”của ông Quang, pháp luật hình sự chế tài ra sao?
Điểm a khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, giải thích “Hàng giả” là hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng… thì bị xử phạt theo điểm e khoản 1 Điều12 của nghị định này, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần nhớ rằng, hành vi của ông Quang trước tiên là đã vi phạm Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý trang thiết bị y tế. Và, trong hoàn cảnh hiện tại, không ai sản xuất khẩu trang chống dịch không có giá trị sử dụng, công dụng là trang thiết bị y tế, mà không nhằm cung ứng cho thị trường để thu lợi bất chính.
Vậy hành vi của ông Phạm Văn Quang có thuộc trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS năm 2015, tại điểm a khoản 1 quy định, hàng giả trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hay như quy định tại điểm b của cùng điều luật, thì hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn, thì bị truy cứu hình sự mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu so giá trước khi có dịch là 60 nghìn đồng/ hộp khẩu trang 50 chiếc (mà các Cục QLTT Quảng Ninh, Vĩnh Long) làm căn cứ để xử phạt hành chính bà Sen, bà Đ, thì 27.550 chiếc khẩu trang Nice Star giả của ông Phạm Văn Quang nếu lọt ra thị trường, số thu lợi bất chính là rất lớn.
Mặt khác, người nào thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng khi mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác cũng sẽ bị truy cứu hình sự mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm theo khoản 1Điều 198 BLHS năm 2015 về tội lừa dối khách hàng.
Ls Ngô Huỳnh Phương Thảo: Đủ cơ sở xử lý hình sự vụ khẩu trang giả Nice Star
Nhìn lại hoạt động tổ chức sản xuất khẩu trang giả Nice Star của ông Quang, liệu có hội đủ các yếu tố cấu thành tội để truy cứu trách nhiệm hình sự trong hoàn cảnh hiện tại?
Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn có thể.
Trường hợp tương tự, hành vi tương tự là vụ Công ty TNHH Việt Hàn tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện vào các ngày 11 và 13/2 vì có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là mặt hàng khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn.
Qua kiểm tra thực tế, quy trình sản xuất của công ty này không có lớp vải kháng khuẩn mà thay vào đó chỉ là lớp giấy thường. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã có văn bản gởi giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý vụ việc vi phạm vì có dấu hiệu tội phạm.
Nhân chuyện truy cứu hay không trách nhiệm hình sự các đối tượng sản xuất khẩu trang giả để thu lợi bất chính trong mùa cịch Covid-19, xin trở lại với vụ việc mua gom khẩu trang y tế của bác sĩ Phạm Hữu Quốc giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hôm 26/2.
Theo thông tin, ông Quốc đã hứa với một người mua gom 20.000 thùng khẩu trang (khoảng 50.000.000 khẩu trang) với giá 11 triệu đồng/thùng. Khi khách hàng chuyển tiền cọc xong thì được thông báo nâng giá lên 23-24 triệu đồng/thùng.
Ngày 28/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu ông Phạm Hữu Quốc báo cáo giải trình vụ việc. UBND quận Gò Vấp đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với ông Quốc do có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì hành vi mua gom khẩu trang bán lại với giá cao. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc qua Cơ quan công an quận Gò Vấp làm rõ, nhưng đến nay chưa thấy cơ quan chức năng thông tin kết quả xử lý vụ việc.