Nói về Biti’s, không thể không nhắc tới sự trở lại đầy kỳ diệu của thương hiệu giày Việt này.
Ông Ngô Nguyên Kha (bên trái) đi giày Biti’s Hunter cùng lãnh đạo Media Teck (Đài Loan) trả lời báo chí. |
Ra đời từ 1983, nổi lên ở thập niên 90 thế kỷ trước rồi “chìm” dần. Bất ngờ, năm 2016, Biti’s trở lại mạnh mẽ với chiến lược truyền thông đẳng cấp. Cộng với mẫu mã đẹp, chất lượng “đế mòn quai chưa đứt”, giá cả hợp lý, Biti’s Hungter đã tạo nên một trào lưu mua giày mới, đi giày mới – “đôi giày quốc dân” cho hàng vạn người trẻ Việt.
Còn Mobiistar, trong thời đại mà điện thoại di động là vật bất ly thân của tất cả, đặc biệt là người trẻ, là điều kiện cần và đủ để những chiếc smartphone có thể trở thành một “sản phẩm quốc dân”. Liệu thương hiệu Việt này có đủ tâm, đủ tầm mang đến cho “quốc dân Việt” một smartphone giàu mồ hôi, chất xám Việt trong đó?
Mang Smartphone 4G cho mọi nhà
Khi Viettel đã vào tận hang cùng ngõ hẻm triển khai “4G cho mọi người”, Mobiistar đã nhanh nhạy tung ra “Smartphone 4G cho mọi nhà” để đón đầu xu hướng chuyển sang smartphone 4G của người dùng Việt, khi mà mạng 4G cho tốc độ kết nối internet nhanh gấp 10 lần kết nối 3G trước đây.
Hai sản phẩm sắp được Mobiistar trình làng là Zoro 4G và Z1 4G – những sản phẩm được nâng cấp từ các smartphone 3G đã ra mắt, đồng thời hãng cũng tích cực đàm phán với các đối tác và nhà mạng để có thể mang đến gói cước 4G tốt nhất cho khách hàng dùng bộ đôi 4G này.
Với phương châm đem smartphone 4G đến cho mọi người, Mobiistar đặt mục tiêu Zoro 4G và Z1 4G sẽ có giá bán lẻ dưới 2 triệu đồng, trở thành những chiếc smartphone 4G rẻ nhất thị trường vào thời điểm ra mắt.
Và “Selfie mọi người”
Sau 4G, Mobiistar tiếp tục giải quyết thách thức “selfie đẹp” cho mọi người, với “mức giá cho mọi người” bằng việc xóa bỏ sự khác biệt giữa camera trước và sau trên chiếc điện thoại.
Theo ông Ngô Nguyên Kha, ngoài sự chăm chút cho camera sau (thường gọi là camera chính) như thông thường, camera trước (để chụp selfie) cũng được các kỹ sư Mobiistar và đối tác đầu tư kỹ lưỡng, có khả năng chụp không thua kém camera sau, từ độ phân giải, công nghệ hình ảnh đến thuật toán tối ưu hình ảnh, trở thành 1 trong 2 “camera chính” chứ không còn là “phụ”. Và, khi đại đa số smartphone selfie đẹp giá bán còn rất cao, giá của bộ đôi sản phẩm selfie của Mobiistar lại rất vừa tầm với đại đa số người dùng.
.Bộ đôi Zumbo S2 và J2 của Mobiistar đều có camera “trước sau như một” với cảm biến đều 13MP. |
Cụ thể, bộ đôi Zumbo S2 và J2 của Mobiistar đều có camera “trước sau như một” với cảm biến đều 13MP, cho hình ảnh chất lượng đẹp như nhau, người dùng không còn phải lo ngại camera selfie tệ hơn camera chính. Ngoài khẩu độ F2.0 với thấu kính 5 lớp, camera selfie còn được trang bị các chức năng đặc biệt tích hợp sẵn mà không cần dùng đến các ứng dụng từ bên thứ ba như: cải thiện tối đa chất lượng hình ảnh selfie; “Trang điểm” gương mặt của người selfie trong ảnh; 7 cấp độ làm đẹp tự động cho nhan sắc người selfie, 4 chế độ chỉnh sửa làm đẹp gương mặt và đèn trợ sáng “hiệu ứng ánh sao”…
Đặc biệt, khi người dùng có xu hướng sử dụng các ứng dụng như Facebook, Zalo hay Viber để gọi video ngày càng nhiều, Mobiistar đã nắm bắt và đáp ứng được đòi hỏi của họ về chiếc camera trước. Các thử nghiệm trước báo giới và khách hàng cho thấy, hình ảnh được truyền từ chiếc Zumbo S2 trong các cuộc gọi video tốt hơn cả các thiết bị cao cấp đắt tiền hơn, họ lại có thêm một điểm cộng ý nghĩa.
Để mong thành “smartphone quốc dân”?
4G, camera trước sau như một, giá rẻ… liệu có đủ để sản phẩm của Mobiistar “hấp dẫn” và buộc người dùng móc ví. Có lẽ chưa, thế nên ngoài các điểm mạnh trên, Zumbo S2 có thiết kế kim loại đẳng cấp, cảm biến vân tay một chạm, được trang bị màn hình lớn 5.5 Full HD, bộ vi xử lý 64bit lõi tứ, RAM 3GB mạnh mẽ. Và cũng như “đàn anh” Zumbo S2, Zumbo J2 cũng được lắp bộ đôi camera “trước sau như một” (13MP), thiết kế kim loại, màn hình 5.2 inch HD, cảm biến vân tay 1 chạm, chip lõi tứ 64bit, RAM 2GB và giá bán dưới 3 triệu đồng…
Các sản phẩm của Mobiistar dường như hội đủ các yếu tố “dành cho mọi người”, nhưng họ có thể vươn lên trở thành một “sản phẩm quốc dân” như hành trình của những Vietjet Air, Biti’s, Viettel… hay không, lại là một câu chuyện rất khác.
Báo chí, truyền thông đánh giá rất cao các sản phẩm gần đây của Mobiistar. |
Bởi như chính ông Ngô Nguyên Kha đã chia sẻ, Mobiistar đi lên từ kinh doanh dòng điện thoại phổ thông giá rẻ ở giai đoạn 2009 – 2011. Sau đó, khi mà các thương hiệu điện thoại Việt khác “lóe” lên rồi chìm lặn, thương hiệu này cứ âm thầm đi vào giới học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, cho tới thương gia…. Để rồi, năm 2016, họ bất ngờ được xướng tên trong Top 4 thị trường smartphone Việt, chỉ sau những gã khổng lồ Apple, Samsung, OPPO. Nhưng, dù đã cố gắng gấp 5, gấp 10, Mobiistar vẫn quá nhỏ bé so với những thương hiệu Mỹ, Nhật, Hàn, đặc biệt là các thương hiệu Trung Quốc đang “bành trướng” vào thị trường Việt với tâm thế của những gã khổng lồ. “Cảm giác nhỏ bé không đáng sợ bằng việc những gã khổng lồ kia đã từng nhỏ bé, và họ biết rõ suy nghĩ của những chú tí hon như Mobiistar, đưa ra những sách lược có thể bắt chết Mobiistar ngay trên sân nhà”, ông Ngô Nguyên Kha thừa nhận.
Trước câu hỏi của người viết: “Dù là kẻ độc hành trong cuộc chiến thị phần thị trường smartphone Việt, Mobiistar cứ mãi thấy “lẻ loi nhỏ bé” hay phải vượt lên khỏi tâm thế “khởi nghiệp”?” , ông Kha cười: “Chúng tôi luôn dặn dò nhau rằng, chúng ta là những người tí hon đang đấu với những người khổng lồ”, nhưng như đã hé mở một quyết tâm lớn: Đã đến lúc bước tới (!?)
Nhưng, nếu Mobiistar bước tới, vào cuộc chơi smartphone hao tiền tốn của này, liệu người dùng Việt có ủng hộ họ nhiều hơn họ nghĩ, có “thương” họ như đã “yêu” những đôi giày quốc dân Hunter?
Lại phải chính Mobiistar, ông Ngô Nguyên Kha và các cộng sự của mình tự đi tìm lời giải.