Sau khi Nga công bố sản xuất thành công và đưa vào sử dụng vắc-xin Covid-19, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) đã chia sẻ về kế hoạch nhập khẩu vắc-xin này.
Cụ thể, bên cạnh việc tăng tốc nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam", hiện Vabiotech cũng là đơn vị nhập khẩu vắc-xin và đã có các đối tác để tìm nguồn nhập khẩu vắc-xin Covid-19. Công ty đã tiếp cận với các đối tác trên thế giới để làm sao có nhanh nhất vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam.
Vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Nga nghiên cứu.
Khi được hỏi về vấn đề Việt Nam có tính đến chuyện nhập khẩu vắc-xin Covid-19 từ Nga, Chủ tịch VABIOTECH khẳng định: "Chúng tôi cũng chưa đề cập đến".
Ông Đạt cho hay Vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được Nga tự công bố và lưu hành nhưng các kết quả nghiên cứu không được công bố về mặt khoa học, vì vậy chưa thể đánh giá được vắc-xin Covid-19 của Nga có an toàn hay không.
"Vì đối với một loại vắc-xin, chúng ta bắt buộc phải hiểu loại vắc-xin đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định có nhập khẩu hay không? Quốc gia nào có vắc-xin thì chúng tôi cũng có những tiếp cận. Khi nghiên cứu vắc-xin của họ được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt thì chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong việc nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam"- Tiến sĩ Đạt phân tích.
Vắc-xin Covid-19 của Việt Nam thử nghiệm thành công trên chuột, hiện tiến hành giai đoạn thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên động vật lớn và cho kết quả khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt.
Về kết quả nghiên cứu vắc-xin Covid-19 của VABIOTECH, theo tiến sĩ Đạt, việc nghiên cứu vắc-xin này ở nước ta đang đi đúng hướng.
Bản chất của vi rút SARS-CoV-2 là có khả năng biến đổi. Mức độ lây lan mạnh của đại dịch lại càng làm tăng mức độ biến đổi của vi rút. Đối với vắc-xin Covid-19, VABIOTECH đã chọn những vùng gen (kháng nguyên cho sản xuất vắc-xin) là những vùng ít biến đổi nhất, khả năng biến đổi ít nhất. Do đó, vắc-xin khi lưu hành có tính ổn định, bảo đảm hiệu quả phòng bệnh. Thậm chí, vắc-xin có thể có miễn dịch chéo với các dạng đột biến khác nhau của vi rút SARS-CoV-2.
Hiện, công ty đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên động vật lớn và cho kết quả khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt, bảo đảm tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Có thể từ 9 đến 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có vắc-xin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người.
Không sốt ruột trước thông tin nhiều quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người nhưng các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng đang thực sự chạy đua với thời gian. Trung bình, một vắc-xin cần 10 năm nhưng chỉ với thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể.