Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang trong cuộc chạy đua để nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19. Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này.
Việt Nam đang trong cuộc chạy đua để nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19
Chiều 27-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết trước tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, từ tháng 5-2020, IVAC đã triển khai hợp tác với PATH (Tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu) và một trường đại học của Mỹ nghiên cứu một cách bài bản vắc xin ngừa covid-19 . "Kết quả bước đầu tốt, chủng tốt, thử nghiệm trên dây chuyền tốt nhưng vắc xin này có an toàn, có giá trị bảo vệ hay không thì còn phải có các bước đánh giá cụ thể. Các mẫu vắc xin này sẽ được các đối tác tại Mỹ thử nghiệm qua chuột đất và khỉ để có các đánh giá cụ thể" - ông Thái cho biết.
Dự kiến cuối tháng 8-2020 sẽ có kết quả đầu tiên. Nếu kết quả đầu tiên tốt, IVAC sẽ chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối năm 2020.
Việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đang phát triển trên công nghệ nuôi cấy trên trứng gà an toàn. Đây là công nghệ mà IVAC đã sản xuất thành công nhiều loại vắc xin về các chủng cúm do WHO tài trợ.
Thực nghiệm vắc xin tại Viện IVAC
Theo TS.Thái, việc phát triển một vắc xin liên quan đến đại dịch như virus SARS-CoV-2 gây ra, cần có 3 yếu tố. Đầu tiên phải có chủng an toàn và xây dựng miễn dịch có khả năng bảo vệ. Cái này Việt Nam đã có.
Cái thứ hai là công nghệ phù hợp, cái này IVAC đang có công nghệ sản xuất vắc xin phù hợp. Cuối cùng là việc phát triển qui mô. Tuy qui mô của IVAC chưa lớn nhưng có thể cung cấp 6 triệu vắc xin nên có thể phát triển thêm.
"Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể nói trước điều gì, chúng tôi vẫn đợi kết quả vào cuối tháng 8 này" - ông Thái chia sẻ.