TS.BS Lê Thanh Đức (Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K) cho biết, theo thống kê ở khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỉ lệ ung thư vú trẻ khá cao. Một số nước châu Á, mắc trẻ khá cao, thậm chí có bệnh nhân 26 – 27 tuổi đã bị ung thư vú.
Tại Việt Nam, BS Đức đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú còn rất trẻ, rất nhiều trong số đó chưa có gia đình và có người vừa còn bước vào ngưỡng cửa đại học.
Theo thông tin của Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các Trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
TS.BS Lê Thanh Đức cũng cho biết, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam.
Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80-93%, ung thư đại trực tràng là 88%...
Theo TS Lê Thanh Đức, ung thư vú có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, không loại trừ phụ nữ trẻ tuổi. Chính vì vậy, ngay cả những phụ nữ trong độ tuổi 20 cũng không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.
Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.
Triệu chứng của ung thư vú
- Một khối u nổi lên ở ngực
- Ngực thay đổi kích thước, hình dạng
- Vùng da trên vú bị lõm, đỏ, rỗ, giống như vỏ quả cam
- Núm vú bị thụt vào trong
- Xung quanh núm vú bị bong tróc, lột da, đóng vảy
Nguyên nhân
Ung thư vú xảy ra khi một số tế bào phát triển bất thường, phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh, tiếp tục tích tụ, tạo thành khối.
Những tế bào đó có thể lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc bộ phận khác của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã xác định nội tiết tố, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư vú.
Di truyền
Khoảng 5-10% trường hợp ung thư vú liên quan đến đột biến gene di truyền qua các thế hệ trong một gia đình.
Một số gene đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú đã được xác định. Nổi tiếng nhất là gen ung thư vú BRCA1 và BRCA2, cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và buồng trứng.
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bất kỳ loại ung thư nào, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm máu để xác định các đột biến đang di truyền trong gia đình bạn.
Các yếu tố nguy cơ
- Phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh hơn nam giới
- Nguy cơ tăng lên khi bạn già đi
- Nếu bạn bị ung thư ở một bên vú, bạn sẽ có nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại
- Nếu mẹ, chị gái bị chẩn đoán mắc bệnh, đặc biệt là khi còn trẻ, nguy cơ của bạn sẽ tăng lên
- Nếu bạn được điều trị bức xạ ở ngực khi còn trẻ, khả năng bị bệnh cao hơn
- Béo phì
- Bắt đầu có kinh trước 12 tuổi
- Mãn kinh khi nhiều tuổi
- Sinh con đầu lòng khi lớn tuổi
- Chưa từng mang thai
- Sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
- Uống nhiều rượu
Thay đổi cuộc sống hàng ngày của bạn có thể giảm nguy cơ ung thư vú.
Cách ngăn ngừa
Thay đổi cuộc sống hàng ngày của bạn có thể giảm nguy cơ ung thư vú:
- Tầm soát ung thư vú
- Uống rượu ở mức độ vừa phải, không quá 1 ly mỗi ngày
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần (ít nhất 30 phút mỗi ngày)
- Hạn chế liệu pháp hormone sau mãn kinh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh: Phụ nữ có thể ăn theo chế độ Địa Trung Hải. Các bữa ăn tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt. Những người theo chế độ ăn Địa Trung Hải chọn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, cá thay vì thịt đỏ.