Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu Td phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi hoặc học lớp 2 tại 35 tỉnh thành, dự kiến 1.005.583 trẻ.
Theo đó, những trẻ này sẽ được tiêm thêm một mũi vắc-xin bạch hầu, bao gồm các bé chưa tiêm chủng, đã tiêm đủ 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Trẻ được tiêm miễn phí một liều vắc-xin bạch hầu tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... thì tạm hoãn tiêm.
35 tỉnh triển khai tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu gồm một số địa phương đang xuất hiện bệnh bạch hầu từ đầu năm gồm Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP HCM. Các tỉnh khác trong nhóm tổ chức tiêm phòng là Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long.
Trẻ 7 tuổi được tiêm miễn phí vắc-xin phòng bạch hầu tại các trạm y tế.
Những địa phương được ưu tiên tiêm vắc-xin Td là có nguy cơ cao mắc bạch hầu hoặc bệnh uốn ván tại khu vực miền núi, vùng xa; nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, xuất hiện ca bạch hầu hoặc uốn ván. Việc tiêm miễn phí cho trẻ lớn trên diện rộng sẽ tạo miễn dịch bổ sung, giúp trẻ có miễn dịch chủ động, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, hạn chế sự lưu hành của vi khuẩn trong cộng đồng.
Tiêm vắc-xin Td đồng thời giúp tăng cường miễn dịch với bệnh uốn ván, loại trừ uốn ván sơ sinh.
Dự kiến, đến năm 2022, hoạt động tiêm bổ sung vắc-xin Td sẽ được triển khai trong phạm vi trong toàn quốc.
Nếu bị ho, xuất hiện giả mạc hai bên hoặc mặt sau vùng hầu họng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng và tử vong. Các trường hợp tiếp xúc với người bệnh phải cách ly và uống kháng sinh dự phòng.
Phụ huynh cần đưa trẻ dưới 2 tuổi đi tiêm chủng và hoàn thành lịch tiêm 3 mũi vắc-xin chứa thành phần bạch hầu lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm mũi 4 khi 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, cho trẻ tham gia tiêm chủng bổ sung theo thông báo của từng địa phương. Tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi là chủ động giúp con phòng ngừa trong điều kiện bạch hầu chưa được loại trừ.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay giai đoạn trước năm 1985 khi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu chưa được đưa vào chương trình TCMR trên toàn quốc (với 4 mũi tiêm, hoàn thành trước 2 tuổi), mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc với hàng trăm ca tử vong.
Sau hơn 35 năm triển khai tiêm vắc-xin bạch hầu cho trẻ dưới một tuổi và 10 năm triển khai tiêm nhắc vắc-xine bạch hầu cho trẻ 18 tháng tuổi, mỗi năm nước ta chỉ ghi nhận vài chục trường hợp mắc bệnh này rải rác tại một số địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu ở 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2).