Tối ngày 4/7, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một ca bệnh bạch hầu. Hiện bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy.
Bệnh nhi tên là Vung (4 tuổi, ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa). Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng từ ngày 28/6 sau khi đi thăm người thân ở tỉnh Kon Tum. Gia đình Vung mua thuốc tự điều trị, nhưng 6 ngày sau đó, cháu vẫn không đỡ.
Ngày 3/7, Vung được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa điều trị, được chẩn đoán bị áp xe amidal thành họng và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Gia Lai vào 6h sáng. Tại đây, bệnh nhi tiếp tục được chẩn đoán bị áp xe amidal, thanh quản giả mạc, viêm phổi, nghi nhiễm bạch hầu.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Gia Lai đang tiến hành các biện pháp phòng dịch bạch hầu khẩn cấp tại Đăk Đoa.
Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai thực hiện lấy sinh phẩm, gửi xét nghiệm. Theo kết quả ngày 4/7 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhi Vung dương tính với bạch hầu.
Hiện tại, chưa rõ nguồn lây. Điều đáng nói, Vung đã được tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem (trong đó có vaccine phòng bạch hầu) trong 1 năm đầu đời, và tiêm nhắc lại mũi thứ 4 khi 18 tháng tuổi.
"Bệnh nhi chuyển biến bệnh nặng, hiện chưa tìm ra nguồn lây", ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết.
Ngay sau khi nghi ngờ ca bệnh tới nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị tích cực cho bệnh nhi, đồng thời, tiến hành cách ly người thân và nhân viên y tế có tiếp xúc gần theo quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm 24 người dân, khám sàng lọc, cấp thuốc cho 63 người thuộc các hộ lân cận với gia đình bệnh nhi, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khử khuẩn.
Bé là ca bạch hầu đầu tiên ở Gia Lai. Trong tháng 6, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 16 ca nhiễm bạch hầu, trong đó có hai ca tử vong. Tỉnh Kon Tum phát hiện 8 ca từ đầu năm đến nay. TP Hồ Chí Minh ghi nhận một ca.