Chiều 31/8, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị này đang điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay.
Bệnh nhân là nam, 54 tuổi, quê Vũng Tàu. Chiều tối 25/8 bệnh nhân có sử dụng số lượng lớn pate Minh Chay. Một ngày sau, bệnh nhân đau bụng, nôn ói và tình trạng tăng dần. Sau đó bệnh nhân nuốt khó, nói khó và sụp mi.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 26/8, nhưng tình trạng bệnh diễn tiến nặng rất nhanh yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 27/8 với chẩn đoán nhược cơ.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.
TS Hùng cho biết ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội thần kinh do yếu liệt chi. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây không tìm thấy dấu hiệu bất thường và nghi ngờ nguyên nhân khác. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân đến đơn vị Chống độc, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, giống 5 bệnh nhân khác đang điều trị tại đây và đều ăn pate Minh Chay.
Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không sốt, các triệu chứng yếu liệt chưa được cải thiện, vẫn phải thở máy. Bệnh viện đã bắt đầu tiến hành lọc máu cho bệnh nhân, cố gắng khắc phục những biến chứng do độc tố gây ra.
Cùng ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân nữ, 41 tuổi, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương từ ngày 12/8 do sử dụng pate Minh Chay.
Trước đó, 27/7, bệnh nhân đặt mua pate Minh Chay qua mạng. Sau ít ngày sử dụng, chị bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, tê lưỡi, nói đớ, yếu cơ tứ chi kèm khó thở.
Bệnh nhân nhập bệnh viện Columbia (quận Bình Thạnh) điều trị nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm và tiếp tục được chuyển qua Bệnh viện Nhân dân 115.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản. Đến nay bệnh nhân được thay huyết tương 5 lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực chống độc. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng vẫn thở máy.
Tính đến hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có 9 trường hợp ngộ độc phải nhập viện điều trị do ăn pate Minh Chay có chứa độc tố Clostridium botulinum của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, thị trấn Đông Anh, Hà Nội).
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, những năm 1980 từng xuất hiện vài ca ngộ độc botulinum, do người dân sử dụng đồ hộp đã hết hạn, bị biến chất. Giai đoạn đó, ngành y tế chưa phát triển, không có thuốc chống độc nên kết quả điều trị không khả quan. Hiện 6 bệnh nhân điều trị ở TP HCM là chùm ngộ độc botulinum đầu tiên sau hơn 30 năm. Triệu chứng ngộ độc botulinum dễ nhầm lẫn với nhược cơ, viêm nhiễm hay ngộ độc thông thường. Giai đoạn đầu nhiễm độc, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, sau đó các triệu chứng thần kinh như yếu liệt cơ, sụp mi, khó nuốt diễn ra rầm rộ rất nhanh... Bệnh nhân không sốt, vẫn tỉnh táo dù không thể tự thở hay vận động. Cơ chế gây hại của botulinum là làm tổn thương đầu mút các dây thần kinh, khiến việc dẫn truyền thần kinh đến cơ không còn, gây yếu liệt. Do đó, chẩn đoán sớm, sử dụng thuốc kháng độc tố sớm cho bệnh nhân rất quan trọng. Hiện Việt Nam không có sẵn loại thuốc kháng độc tố botulinum. Các bác sĩ buộc phải tiến hành nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ để cứu bệnh nhân, bao gồm thở máy, tăng cường dinh dưỡng, thay huyết tương, lọc máu, tập vật lý trị liệu... |