Cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022 diễn ra sáng ngày 2/7 - Ảnh: Bộ Y tế
Thông tin từ phiên họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022 ngày 2/7, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời điểm này nguồn cung khan hiếm nên cao điểm vaccine về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến, trong tháng 8/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vaccine, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch.
Cùng với đó, việc hoãn tiêm đối với những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng phải làm chặt chẽ. Thời điểm này, các địa phương phải lập danh sách để tiến hành sàng lọc xem đối tượng nào sẽ tiêm tại bệnh viện, đối tượng nào tiêm ở cơ sở y tế hay điểm tiêm lưu động.
Bộ Y tế dự kiến sẽ có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn - Ảnh: Vaccinecovid_md
Bộ Y tế dự kiến, có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc phân bổ vaccine cho các điểm tiêm sẽ được công khai minh bạch.
Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS Đặng Quang Tấn đề nghị các địa phương phải kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Cơ sở điều trị tổ chức tiêm cho đối tượng cần theo dõi đặc biệt. Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, Ban Chỉ đạo đã quyết định trưng dụng 8 kho lạnh thuộc Quân khu Thủ đô và 7 Quân khu vùng để thực hiện chức năng bảo quản vaccine. Các kho này đều đảm bảo yêu cầu về chuyên môn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1022/QĐ-TTg ngày 30/6/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Theo Quyết định này, bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Tin cập nhật về vaccine Covid-19 cũng ghi nhận lô vắc xin 400 ngàn trong số 1 triệu liều AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản tặng cũng vừa cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất chiều nay 2/7.
400 nghìn liều vaccine Chính phủ Nhật Bản tặng đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTO