Trong suốt quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối,… thực phẩm đều có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học, hóa học và lý học, do vậy nếu từng khâu trong chuỗi thực phẩm này không tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì thay vì là chất dinh dưỡng, thực phẩm bị nhiễm độc sẽ là nguyên nhân gây nên ngộ độc, tác động xấu đến sức khỏe con người.
Việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm là biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Mùa hè là thời điểm mà thức ăn nếu không được chế biến kỹ, hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Do đó, bạn cần nắm rõ các nguyên tắc quan trọng dưới đây để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh ngộ độc thực phẩm thường hay gặp phải trong mùa hè.
Rửa tay sạch sẽ
Trước khi chế biến thực phẩm hay ăn uống, bạn nên rửa tay sạch sẽ để loại bỏ các vi khuẩn trên bàn tay. Do bàn tay của chúng ta có thể cầm, nắm rất nhiều thứ trong ngày nên chứa vô số vi khuẩn, bụi bẩn bám vào, từ đó là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm rất cao.
Không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh
Việc cất trữ quá nhiều thứ trong tủ lạnh sẽ khiến không khí lạnh trong tủ không được lưu thông, nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo nên làm ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm. Đặc biệt, việc để chung thực phẩm tươi sống với thức ăn chín cùng một ngăn trong tủ lạnh dễ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm và làm cho thực phẩm nhanh bị hỏng.
Sử dụng các dụng cụ riêng biệt
Đừng tùy tiện dùng thớt thái đồ tươi sống để sử dụng tiếp với trái cây, bánh mì hay các món ăn đã qua nấu nướng. Do vi khuẩn từ đồ tươi sống hoàn toàn có thể xâm nhập vào những món đồ chín hoặc ăn được ngay khi bạn sử dụng chung trên một chiếc thớt, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến dạ dày lúc bạn ăn vào.
Không để thức ăn ở bên ngoài quá lâu
Đừng để thức ăn ở ngoài quá lâu rồi mới cho vào tủ lạnh. Hãy nhớ luôn hâm nóng thức ăn để chúng không hỏng, sinh mốc quá nhanh. Sau đó, cũng có thể chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ để chúng mau nguội nhanh hơn khi được đặt trong tủ lạnh. Nếu không để thực phẩm vào tủ lạnh ngay sau đó, hãy hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ 60 độ C hoặc hơn với món có thể làm nóng.
Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Sau khi nấu chín, thức ăn sẽ dần nguội nếu để ở nhiệt độ thường, từ đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển. Do đó, khi có đồ ăn thì bạn nên tập trung vào ăn ngay chứ đừng phân tâm với những chiếc laptop hay điện thoại bên cạnh. Vì đồ ăn càng để lâu sẽ càng có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
Dọn dẹp nhà bếp thường xuyên
Vi khuẩn hoàn toàn có thể lây lan rất nhiều trong căn bếp nhà bạn, do đó, bạn nên dọn dẹp sạch sẽ bàn bếp, xung quanh bếp nấu và chậu rửa cả trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, nhất là sau khi chế biến các thực phẩm tươi sống. Nếu nhà không có sẵn thuốc xịt kháng khuẩn hoặc nước tẩy trùng, bạn có thể dùng xà phòng và nước nóng để giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ.
Rửa bát đũa sạch sẽ
Khi bạn để thức ăn thừa lưu lại trên bát đũa thì chúng sẽ bị ôi thiu và sản sinh ra các vi khuẩn gây ngộ độc nếu bạn giữ quá lâu trong thời tiết nắng nóng. Vậy nên, hãy rửa bát thật sạch sau khi ăn và phơi chúng ở nơi khô thoáng, sạch sẽ trước khi sử dụng lại. Mặt khác, các loại khăn lau bát hoặc chạn để bát cũng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, vì môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan gây bệnh.
Tránh ăn uống ngoài đường
Mặc dù ngoài đường có rất nhiều hàng quán bán đủ món ăn ngon lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên, mùa hè lại chính là thời điểm lý tưởng để vi khuẩn phát triển và lây lan, đặc biệt là ở những quán ăn đông đúc và không đảm bảo vệ sinh. Do đó, việc hạn chế ăn uống ngoài đường và tự chuẩn bị đồ ăn sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn. Còn nếu phải ăn bên ngoài, hãy lựa chọn những hàng quán thật sạch sẽ và đảm bảo.