Tại buổi trò chuyện “Các bệnh lý Cột sống và Ký sinh trùng ở người cao tuổi” do báo Khoa học & Đời sống tổ chức, PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó chủ nhiệm Bộ môn Xét Nghiệm, Bộ Môn Ký sinh trùng , Trường ĐH Y Dược TPHCM - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi và BSCKI Lê Xuân Sơn - Khoa Chấn Thương chỉnh hình - Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người cao tuổi.
Ảnh minh họa |
Trong đó, các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng đường ruột thông thường như: nhiễm giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun lươn, sán lá gan, sán ruột, amip…là những bệnh rất phổ biến ở nước ta do có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm. Ngoài ra, các bệnh ký sinh trùng từ động vật truyền sang người cũng ngày càng phổ biến do biến đổi môi trường, do thói quen ăn uống.
PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết: “Đối với bệnh lý nhiễm ký sinh trùng ở người cao tuổi thường xuất phát từ việc ăn uống, vì các mầm bệnh, ký sinh trùng theo thực phẩm là rất phong phú. Trong các loại thực phẩm từ nông nghiệp như: Rau, củ hay như các loại thực phẩm về thủy hải sản đều có các mầm bệnh ký sinh trùng. Tuy nhiên, đối với người già, do có tâm lý sau nhiều năm làm việc, giờ là lúc phải bồi dưỡng cho sức khỏe, đi du lịch nghĩ dưỡng… mà không chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Ở người già, hệ miễn dịch bị suy giảm, nếu bị nhiễm ký sinh trùng thì việc điều trị là rất khó khăn, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Vì vậy, người già nên chú ý đến các vấn đề ăn uống, kiểm tra kỷ các nguồn thực phẩm sao cho nó bổ dưỡng, an toàn để tăng cường sức khỏe cho mình.
“Các bệnh nhiễm ký sinh trùng thường có khởi đầu rất thầm lặng, chỉ bùng lên khi đã xâm nhập xâu vào các cơ quan trong cơ thể. Do đó, người già cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, không được lơ là. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh kịp thời” PGS.TS.BS Mạnh Siêu chia sẻ.
Người cao tuổi neo đơn, khó khăn được trao quà tại chương trình. |
Bệnh cạnh các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lý cột sống cũng là vấn đề của người cao tuổi. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 10 người thì có 8 người đau lưng ít nhất 1 lần trong đời. Ở Việt Nam, đau lưng chiếm 2% tổng số dân, trong đó, 19% ở những người trên 60 tuổi. Căn bệnh này gây gánh nặng xã hội, đứng thứ 6 trong các hạng bệnh tật (kể cả bệnh gây tử vong và bệnh không gây tử vong).
BS.CKI Lê Xuân Sơn - Khoa Chấn Thương chỉnh hình - Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận cho biết: “Có hai nguyên nhân chính gây nên thoát vị đĩa đệm đó là thoái hoá cột sống và chấn thương. Các chấn thương thường gặp như vận động mạnh, đột ngột, mang vác nặng, ngã, trượt chân...có thể trực tiếp gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống. Một trong những cách phòng ngừa đau lưng và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày”.
Để phòng ngừa căn bệnh này, BS.CKI Lê Xuân Sơn khuyến cáo: “Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn này.…”.