Bệnh thiếu máu là gì?
Chóng mặt là dấu hiệu của bệnh thiếu máu.
Theo các chuyên gia, bệnh thiếu máu là thuật ngữ đề cập đến tình trạng lưu lượng hồng cầu của một người thấp hơn so với tiêu chuẩn thông thường.
Bên cạnh đó, một người cũng có thể bị thiếu máu khi các tế bào hồng cầu của người đó không mang đủ hemoglobin (huyết sắc tố) thiết yếu. Đây là một loại protein giàu chất sắt, đảm nhiệm vai trò hỗ trợ hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô tế bào khác trong cơ thể. Thiếu hụt hemoglobin có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy yếu, dễ chóng mặt và nhức đầu.
Chảy máu trong
Chảy máu trong do chấn thương hoặc do bệnh dạ dày ruột có thể gây thiếu máu. Các bệnh như viêm loét dạ dày, trĩ, ung thư, hoặc vật thể lạ trong cơ thể, nếu không điều trị kịp thời cũng có thể gây thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folate
Vitamin B12 và folate đều cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu ở tủy xương. Do đó, sự thiếu hụt hai dưỡng chất này sẽ gây suy giảm về mặt số lượng hồng cầu mới được sinh ra.
Một số ví dụ đặc trưng về thiếu máu do thiếu vitamin có thể kể đến như thiếu máu hồng cầu to và thiếu máu ác tính.
Các loại thuốc
Nhiều người sử dụng thuốc giảm đau để đối phó với các cơn đau đầu, đau cơ. Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể tổn thương thành dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu trong dẫn đến thiếu máu.
Kinh nguyệt và sinh nở
Ở một số phụ nữ, kinh nguyệt, thai kì và sinh nở có thể gây thiếu máu. Kinh nguyệt quá nhiều có thể gây giảm hồng cầu trong thời gian ngắn. Thai nhi cũng có thể làm giảm lượng sắt dự trữ của người mẹ. Chảy máu nhiều trong khi sinh nở cũng có thể tác động xấu đến lượng hồng cầu.
Thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Bạn có thể bổ sung sắt bằng cách bổ sung rau xanh, các loại thịt giàu sắt, hoặc sử dụng viên bổ sung sắt. Chất sắt từ nguồn động vật dễ hấp thu hơn sắt từ nguồn thực vật.
Phòng ngừa bệnh thiếu máu
Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu, chúng ta nên:
Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.
Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe.
Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, bổ sung thêm sắt uống và ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều sắt khi cơ thể thiếu sắt.
Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu.
Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.