Thứ 6, 22/11/2024, 05:04 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Nguy cơ tiềm ẩn khi ''tắm tiên'' giữa thời tiết lạnh giá

Nguy cơ tiềm ẩn khi ''tắm tiên'' giữa thời tiết lạnh giá
(Tieudung.vn) - Tắm ngoài trời trong thời tiết quá lạnh, ở nơi trống trải, không kín gió dễ gây phản ứng co mạch máu đột ngột, tăng huyết áp kịch phát.

Trong nhiệt độ chỉ khoảng hơn 10 độ C ở Hà Nội, nhiều người vẫn tới bãi "tắm tiên" ở sông Hồng để hòa mình cùng dòng nước. Họ cho rằng đây là cách thư giãn, vừa tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe trong những ngày lạnh giá.

Không chỉ thanh niên, rất nhiều người trung tuổi, thậm chí lớn tuổi cũng tới bãi tắm này bơi lội, mang theo đầy đủ kính bơi, mũ bơi....

Nguy cơ tiềm ẩn khi ''tắm tiên'' giữa thời tiết lạnh giá

Người dân ''tắm tiên'' ở sông Hồng - Ảnh: Bảo Khánh 

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Hữu Nghị cho biết, tắm sông không có lợi cho sức khỏe trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, như quá lạnh hoặc quá nóng.

Nam bác sĩ phân tích, khi nhiệt độ thay đổi quá nhanh, cơ thể không kịp thích nghi, mạch máu không kịp co lại hay giãn nở trong quá trình điều nhiệt có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ não, đột quỵ tim, hoặc nhẹ hơn là viêm phổi, căng cơ quá mức (chuột rút).

''Trường hợp tắm ngoài trời trong thời tiết quá lạnh, ở nơi trống trải, không kín gió dễ gây phản ứng co mạch máu đột ngột, gây cơn tăng huyết áp kịch phát, đặc biệt nguy hiểm đối với người có bệnh lý nền tăng huyết áp, suy tim, dị dạng mạch máu não'', bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh là môi trường thích hợp cho một số loại virus đường hô hấp phát triển, gây viêm nhiễm, giảm sức đề kháng cho đường hô hấp nói riêng, toàn bộ cơ thể nói chung.

Chưa kể, nước sông thường không đảm bảo vệ sinh, có thể ẩn chứa nhiều vi khuẩn, gây viêm nhiễm vùng tiếp xúc như mắt, tai, mũi họng, da...

Nguy cơ tiềm ẩn khi ''tắm tiên'' giữa thời tiết lạnh giá

Bác sĩ Khiêm thăm khám cho một bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị - Ảnh: Hương Thủy

Ngoài việc tránh tắm sông, bác sĩ Khiêm khuyến cáo, trong hoạt động tắm rửa hàng ngày, nguồn nước sử dụng nên là nước sinh hoạt đã qua xử lý.

Người dân nên chọn xà phòng, dầu tắm phù hợp với từng loại da, tránh việc kích ứng, đặc biệt với người già và trẻ em, những người có cơ địa dị ứng.

Khi trời lạnh, nên tắm ở nơi kín gió, làm ấm cơ thể từ từ, tránh tắm quá lâu. Tắm xong nên lau, sấy thật khô, mặc quần áo đủ ấm trước khi ra ngoài. Không tắm ngay sau khi vừa làm việc gắng sức. Đặc biệt, nam bác sĩ lưu ý không nên tắm đêm.

''Nửa đêm là thời điểm nhiệt độ xuống rất thấp, cơ thể con người theo nhịp sinh học cần được nghỉ ngơi sau 1 ngày hoạt động, các cơ chế điều nhiệt của cơ thể gần như ở mức ''thấp nhất''. Do đó, việc tắm đêm, đặc biệt ở nơi không đảm bảo nhiệt độ là điều nguy hiểm, có hại cho sức khỏe'', bác sĩ Khiêm cho hay.

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, nhất là vào buổi sáng sớm và đêm khuya.

Đồng thời, chú ý đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để bảo vệ đường hô hấp, giữ ẩm đường mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, tránh để đường mũi quá khô có thể dẫn tới chảy máu cam.

Những người có bệnh nền mạn tính, người già, trẻ em cần tránh việc thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, từ nơi quá ấm ra nơi quá lạnh. Việc ăn uống nên đảm bảo đủ chất, đủ năng lượng cho quá trình điều tiết nhiệt độ của cơ thể.

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.08245 sec| 776.719 kb