Thứ 6, 22/11/2024, 08:51 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Hà Nội: Nam thanh niên suýt chết do ăn hải sản

Hà Nội: Nam thanh niên suýt chết do ăn hải sản
(Tieudung.vn) - Nam thanh niên đột nhiên bị sốc phản vệ do dị ứng vô cùng nguy hiểm sau khi ăn sá sùng.

Theo đó, bệnh nhân nam Đ.A.D (26 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, ngạt mũi, chảy nước mũi, kèm theo ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân sau khi ăn sá sùng khoảng 30 phút.

Tại Phòng Cấp cứu, qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị phản vệ nặng (độ II) do dị ứng thức ăn. Lúc đó, bệnh nhân có da và niêm mạc đỏ hồng, xuất hiện sần và phù rải rác toàn thân, mạch nhanh nhưng thân nhiệt bình thường và còn tỉnh táo.

sá sùng
Sá sùng - một loại hải sản biển được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, sau 30 phút theo dõi, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển sang sốc phản vệ nguy kịch (độ III) với các dấu hiệu kích thích, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh 140 lần/phút, huyết áp tụt, khó thở.

Rất may mắn, nhờ sự cấp cứu kịp thời, sau 3 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân dần tỉnh táo trở lại, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định. Bệnh nhân hiện đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau nhưng có đặc điểm chung là xuất hiện nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Thường do nguyên nhân phản ứng dị ứng.

Các dấu hiệu phản vệ thường xuất hiện rất nhanh, đột ngột từ vài phút đến vài giờ sau tiếp tiếp xúc với dị nguyên như: thuốc, bị côn trùng đốt, hay sau khi ăn thức ăn lạ.

BSCKI Nguyễn Minh Thắng - Phó Khoa Nội, Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Tỉ lệ dị ứng ở trong cộng đồng rất cao. Phản ứng dị ứng là một phản ứng nặng và có thể chuyển độ rất nhanh từ nặng lên nguy kịch hoặc ngưng hô hấp tuần hoàn. Ngoài ra nhiều trường hợp còn xuất hiện phản vệ pha 2, tức là lại rơi vào tình trạng phản vệ sau đó dù đã được xử lý cấp cứu ổn định. Như trường hợp bệnh nhân D, từ phản vệ mức độ nặng (độ II) chuyển rất nhanh thành sốc phản vệ (độ III) và tiếp tục xảy ra phản vệ pha 2 ngay trong tối hôm đó”.

Qua đó, bác sĩ khuyến cáo tất cả bệnh nhân dị ứng phải theo dõi tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế được trang bị thuốc cấp cứu phản vệ trong vòng ít nhất 24 giờ. Với người bệnh có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng nên trang bị dự phòng thuốc chống dị ứng trong người.

Đồng thời bác sĩ cũng khuyến cáo: tất cả bệnh nhân dị ứng phải theo dõi tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế được trang bị thuốc cấp cứu phản vệ trong vòng ít nhất 24 giờ. Với người bệnh có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng nên trang bị dự phòng thuốc chống dị ứng trong người. Ngoài ra, để phòng ngừa và giảm thiểu xảy ra dị ứng, tai biến sốc phản vệ, người dân cần lưu ý những nguyên tắc sau:

- Nếu có tiền sử dị ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ khi khám bệnh và kê đơn thuốc. Ngoài ra, hãy luôn mang theo các loại thuốc giải dị ứng trong người.

- Khi đang dùng thuốc, nếu xuất hiện cảm giác bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, khó thở,... hãy nói ngay với bác sĩ để dừng lại và xử lý kịp thời.

- Tất cả các bệnh nhân nếu sử dụng thuốc tiêm – truyền nên được nhập viện nội trú hoặc theo dõi sau tiêm truyền thuốc tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo dõi và xử lý phản vệ.

- Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua và sử dụng thuốc, tiêm truyền thuốc tại nhà.

- Không ăn các thức ăn đã từng gây dị ứng, phản vệ.

Tags:
4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
6.07647 sec| 787.914 kb