Chủ nhật , 24/11/2024, 20:41 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ?

Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ?
(Tieudung.vn) - Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ.

Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm?

Trước khi tiêm vaccine Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vaccine đều phải thận trọng, không riêng vaccine Covid-19.

Sau khi tiêm vaccine, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Cơ thể trẻ tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân dễ bị mệt sau khi tiêm vaccine. Nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vaccine Covid-19 về, người nhà phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.

Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ?

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hải Nguyễn)

Tác dụng phụ sau tiêm

Các vaccine ngừa Covid-19 đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như tất cả các loại thuốc, một số người có thể gặp các phụ. Do vậy, điều quan trọng là phải biết những tác dụng phụ đó là gì và cần chú ý những gì.

Tác dụng phụ thường gặp:

Sau tiêm trẻ có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ từ mức nhẹ đến mức trung bình, trong một vài ngày. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ chỉ gặp các tác dụng phụ thông thường.

Đây là những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. Các tác dụng phụ này thường sẽ biến mất sau 12-48 giờ. Một số người không gặp tác dụng phụ hoặc có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau liều tiêm thứ 2 khác với sau liều đầu tiên.

Việc gặp một tác dụng phụ thông thường không phải là lý do để không tiêm liều thứ 2 của vaccine mRNA ngừa Covid-19. Trẻ cần tiêm cả hai liều để được bảo vệ hoàn toàn.

- Trên cánh tay tại vị trí tiêm: Đau, ửng đỏ, sưng tấy.

- Trên các phần còn lại của cơ thể: Ớn lạnh, tiêu chảy, sốt hoặc cảm thấy vã mồ hôi. Đau đầu, đau cơ, buồn nôn hoặc cảm thấy nôn.

Tác dụng phụ ít phổ biến hơn:

Một số trẻ em có thể sẽ xuất hiện các hạch bạch huyết sưng và nhạy cảm đau (gọi là nổi hạch), thường ở vùng nách hoặc cổ.

Một số người có thể bị phát ban đỏ, ngứa, sưng hoặc đau ở vị trí tiêm, thường được gọi là ''cánh tay Covid''.

Những nốt phát ban này có thể bắt đầu sau vài ngày đến hơn một tuần kể từ khi tiêm mũi đầu tiên. Nếu trẻ bị "cánh tay Covid" sau khi tiêm liều đầu tiên, trẻ vẫn nên tiêm liều thứ 2.

Để giảm đau và giảm khó chịu tại vị trí tiêm

Có thể đắp một chiếc khăn sạch, mát và ướt lên vùng da đó. Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động nhẹ nhàng vùng cánh tay sẽ giúp sớm giảm cảm giác đau mỏi. Lựa chọn quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ cho trẻ, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng khó thở, sưng mặt và cổ họng, tim đập nhanh, nổi ban nặng khắp cơ thể, hoặc chóng mặt và suy nhược, thường xuất hiện trong 30 phút đầu sau tiêm đến khoảng 4 giờ sau đó, người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám. Nếu tình trạng ửng đỏ hoặc nhạy cảm đau ở vị trí tiêm của trẻ bắt đầu trở nặng sau 24 giờ, người chăm sóc cũng cần liên hệ với bác sĩ hoặc cơ quan y tế.

Các loại phản ứng này xảy ra trong vòng 4 giờ sau khi tiêm vaccine. Người tiêm có thể sẽ bị phát ban, sưng tấy hoặc thở khò khè. Nếu trẻ gặp phản ứng dị ứng tức thì không nghiêm trọng sau khi tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19, trẻ không nên tiêm liều thứ 2, ngay cả khi phản ứng đó không nghiêm trọng đến mức phải cấp cứu hoặc nhập viện.

Khả năng xảy ra các tác dụng phụ lâu dài là vô cùng thấp. Nếu xem xét lịch sử của tất cả các chương trình chích ngừa, quý vị sẽ thấy đa số chủ yếu các tác dụng phụ lâu dài do chích ngừa đều xuất hiện trong khoảng 30-45 ngày sau khi kết thúc các thử nghiệm lâm sàng vaccine. Đó chính là lý do tại sao FDA Hoa Kỳ yêu cầu phải chờ ít nhất 60 ngày sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng mới có thể cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA).

Trẻ nào không được tiêm?

BS Hồ Vĩnh Thắng  Phó Trưởng Khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh,cho biết  trẻ trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn. “Có bốn nhóm sàng lọc, gồm đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm chủng” - BS Thắng nói.

Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng là trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vaccine của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine. Nhóm cần thận trọng tiêm chủng gồm trẻ có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính; trẻ mất tri giác, mất năng lực hành vi; trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ từ 13 tuần trở lên; trẻ phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

“Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm trẻ có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng sáu tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ có thai dưới 13 tuần. Đối với nhóm chống chỉ định tiêm chủng, gồm trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine ngừa Covid-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vaccine” - BS Thắng nói thêm.

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.16394 sec| 804.547 kb