Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân đưa được vào viện cấp cứu ngày 19/6, do đột quỵ, tiền sử bệnh tim rung nhĩ, thay van hai lá cơ học 5 năm, đang điều trị thuốc chống đông đường uống. Gia đình cho biết 3 tháng qua bà theo một nhóm người xưng là "giáo phái" để tập luyện và bỏ uống thuốc khoảng một tuần vì tin rằng "luyện theo phương pháp này thì không cần dùng bất cứ loại thuốc nào".
Bệnh nhân hồi phục tích cực sau khi được điều trị. |
Bệnh nhân Nguyễn Thị M nhập viện giờ thứ 2 kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ, tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, rối loạn ngôn ngữ. Hình ảnh chụp cắt lớp phát hiện bà bị tắc động mạch não giữa bên trái, chẩn đoán nhồi máu não cấp do huyết khối từ tim trong thời gian cửa sổ 3 giờ đầu.
Bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA), sau đó tiếp tục điều trị "bắc cầu", can thiệp tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học. Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh dần, nói được, hiểu lời, nửa người phải vận động tốt.
Các bác sĩ cho hay, đây là một trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não do việc ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học. Việc ngưng thuốc chống đông có thể dẫn đến hiện tượng kẹt van tim gây đột tử hoặc đột quỵ não tắc mạch do cục máu đông hình thành từ tim di chuyển lên não. Bệnh nhân may mắn do sau đột quỵ được đưa sớm đến cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị phương tiện cấp cứu và điều trị, nếu không được cấp cứu sớm bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nề.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M. cũng cho thấy, người dân không nên tin tưởng các phương pháp tập luyện, điều trị bệnh không có cơ sở khoa học. Rèn luyện sức khỏe là cần thiết nhưng cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, nhân viên y tế. Khi có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sức khỏe không ổn, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.