Trà hoa cúc là thức uống tinh tế và thanh tao, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách hay lạm dụng quá nhiều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe.
Trà hoa cúc có tên gọi khoa học là Chrysanthemum indicum. Ở Việt Nam, hoa cúc vẫn thường được gọi là cúc chi, cúc tiến vua, hoàng cúc hay kim cúc. Hoa cúc có bông nhỏ bằng cúc áo, nhiều cánh và màu vàng tươi. Nhờ mùi hương dịu nhẹ cùng vị đắng và hơi ngọt hòa quyện vào nhau. Hoa cúc được sử dụng làm thức uống thơm ngon và được nhiều người ưa chuộng.
Thành phần chính có trong trà hoa cúc là bisalobol có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và kháng khuẩn. Hoạt chất này còn có tác dụng làm thư giãn tinh thần. Giảm triệu chứng đau nhức đầu và giảm trí nhớ. Đồng thời các chất chống oxy hóa apigenin ngăn ngừa ung thư. Các dưỡng chất khác giúp làm đẹp da, giữ gìn vóc dáng và giúp giảm cân cho phái nữ… Mặc dù khá tốt nhưng khi uống trà hoa cúc cũng gây ra một số tác dụng phụ khôn lường.
Có thể gây viêm da nhạy cảm
Viêm da nhạy cảm là một tình trạng da trở nên nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Chất alantolactone - một chất hóa học có trong hoa cúc thường gây nên tình trạng kích ứng da và gây ra các triệu chứng đỏ, viêm da khi bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc bất kỳ nguồn tia cực tím nào khác.
Có thể gây dị ứng da
Một số loài hoa có thể gây dị ứng ở một số người, trong đó có hoa cúc. Cơ thể có thể bị nhạy cảm với một số bộ phận của cây như phấn hoa, lá, hoa và thân, hoặc toàn bộ thân cây dẫn đến dị ứng. Một số người có xu hướng bị dị ứng vì uống trà hoa cúc với các triệu chứng như phát ban, da bị mẩn đỏ và các triệu chứng khác. Điều này xảy ra vì cơ thể bị dị ứng với một số thành phần hóa học của hoa. Trên thực tế, những người dị ứng với trà hoa cúc không nhiều, tuy nhiên, nếu gặp phải những tác dụng phụ của trà hoa cúc nên loại bỏ thức uống này ra khỏi danh mục thực đơn hàng ngày.
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn tuổi
Nhiều người nghĩ rằng trà hoa cúc tốt cho người lớn tuổi vì có khả năng kiểm soát huyết áp và hàm lượng cholesterol. Tuy nhiên, trên thực tế, loại trà này có thể gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn tuổi bởi dạ dày ở nhóm người cao tuổi tương đối kém.
Ảnh hưởng xấu phụ nữ mang thai
Hiện nay không có nghiên cứu rõ ràng nào cho thấy việc sử dụng trà hoa cúc có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ đang trong thời kì mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng bởi vì tác dụng phụ của trà hoa cúc có thể có hại cho em bé và không tốt cho quá trình phát triển thai nhi.
Mặt khác, phụ nữ khi mang thai hệ miễn dịch suy giảm hơn bình thường, lá lách và dạ dày đều yếu, nếu uống trà hoa cúc rất dễ bị kích thích dạ dày. Thậm chí, nếu uống lượng nhiều còn gây nên tiêu chảy và các triệu chứng khác.
Có thể làm huyết áp không ổn định
Hạ huyết áp là một tình trạng bệnh lý, trong đó huyết áp của một người trở nên bất thường. Hạ huyết áp có thể do trà hoa cúc gây nên. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bị huyết áp thấp không nên uống trà hoa cúc trong quá trình sử dụng các loại thuốc ổn định huyết áp. Nếu lạm dụng đồ uống từ hoa cúc, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng huyết áp xuống quá thấp gây hậu quả đáng tiếc.
Giảm tác dụng một số loại thuốc
Nhiều nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc và hóa chất. Những người bị tiểu đường và đang dùng insulin nên tránh sử dụng trà hoa cúc vì nó có thể tương tác với insulin. Tương tự như vậy, những người đang dùng thuốc chống ung thư, kháng khuẩn và chống viêm cũng không nên uống trà hoa cúc.
Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering từng đưa ra khuyến cáo rằng, nếu đang dùng thuốc an thần thì trà hoa cúc có thể tăng cường tác dụng của thuốc và gây hại đến sức khỏe.