Chủ động giám sát an toàn thực phẩm
Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2023, TP tiếp tục duy trì các hoạt động mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại 100% các phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã. Duy trì 20 tuyến phố ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát.
30/30 quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai của các xã, phường, thị trấn về công tác ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả Thủy Hùng (quận Hoàn Kiếm).
Ngoài ra, TP duy trì 20 trường tiểu học tại 10 quận, huyện thuộc mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học”, đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã cấp 578 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, 68 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, cấp 1.140 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tiếp nhận 4.321 bản tự công bố sản phẩm ngành y tế quản lý.
Trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, năm 2023 TP tiếp tục kiện toàn 5 đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến TP, chủ động giám sát ATTP với 49.493 suất ăn đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện của Trung ương và TP.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, 11 tháng đầu năm, ngành y tế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, các lỗi vi phạm chủ yếu được chỉ tra trong quá trình kiểm tra.
Đơn cử như ghi nhãn sản phẩm không đúng; khu vực sản xuất không theo nguyên tắc một chiều, tường trần khu vực sản xuất xuất ẩm mốc, khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại; không tách biệt khu sản xuất, nhà vệ sinh và khu vực phụ trợ liên quan. Quảng cáo sản phẩm không đúng quy định...
Công tác kiểm nghiệm, ngành y tế lấy 968 mẫu theo kế hoạch và đột xuất, kết quả 738 mẫu có kết quả đạt, 10 mẫu không đạt, 220 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm. Test nhanh 9.690/9.738 mẫu đạt (97,9%).
2 tuần ra quân, xử phạt 17 cơ sở vi phạm ATTP dịp Tết
Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP do Sở Y tế Hà Nội chủ trì ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATTP Tết và lễ hội Xuân 2024 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Đoàn kiểm tra cơ sở bánh mứt kẹo cổ truyền Phương Soát (quận Hoàn Kiếm).
Hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 3.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.313 cơ sở phục vụ Tết và lễ hội, chủ yếu sản xuất giò chả, thịt bò khô, bánh mứt kẹo, đồ khô các loại…
Trong dịp Tết năm nay, tuyến quận thành lập 3 đoàn kiểm tra và 18 đoàn kiểm tra liên ngành của 18 phường. Sau 2 tuần ra quân, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 223 cơ sở. Qua đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 17 cơ sở (trong đó có 1 cơ sở kinh doanh rượu) với số tiền gần 57 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 36 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, các đoàn liên ngành và chuyên ngành an toàn thực phẩm của quận và 18 phường đã thực hiện lấy 596 mẫu thực phẩm các loại để xét nghiệm nhanh, trong đó 545 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 91,44%).
Qua quá trình kiểm tra, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, cơ quan chức năng gặp phải không ít khó khăn. Trong dịp Tết, các cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.
Do ý thức của một số tiểu thương chưa cao, chưa thực hiện ghi chép đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, thực phẩm sử dụng. Thậm chí, một số cơ sở chuyển đổi việc kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh online, do đó công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả Thủy Hùng và cơ sở bánh mứt kẹo cổ truyền Phương Soát trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các cơ sở đã chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh các mẫu giò chả, bánh kẹo, các chỉ số đều đạt yêu cầu.
Theo thông lệ vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm luôn sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh vào dịp này, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tiếp tục được tăng cường.
Xét nghiệm nhanh mẫu giò chả.
Từ nay đến ngày 15/3/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP sẽ tiếp tục kiểm tra ATTP Tết và lễ hội Xuân tại các quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Tây Hồ, Sóc Sơn và Mỹ Đức.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn.
Thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, Sở Y tế Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn TP.
Ngành Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra, trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội, các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức lễ hội Xuân lớn.
Chủ động kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP lĩnh vực y tế tới các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo ATTP.