Thứ 6, 22/11/2024, 09:28 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Dịch COVID-19 ngày 28/3: Mỹ vượt 100.000 ca nhiễm, Ý gần 1.000 người chết trong 24 giờ

Dịch COVID-19 ngày 28/3: Mỹ vượt 100.000 ca nhiễm, Ý gần 1.000 người chết trong 24 giờ
(Tieudung.vn) - Số ca tử vong tại Ý lập kỷ lục mới với gần 1.000 người/ngày, trong khi Mỹ ghi nhận thêm trên 15.000 người nhiễm mới, vượt qua ngưỡng 100.000 ca.

Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 6h45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 594.280 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 27.247 ca tử vong. Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 65.003 ca mắc mới và 3.278 ca tử vong.

Mỹ đối mặt "cơn lốc" dịch, trên 100.000 ca nhiễm

Dịch COVID-19 ngày 28/3: Mỹ vượt 100.000 ca nhiễm, Ý gần 1.000 người chết trong 24 giờ

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, Pháp ngày 26/3.

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 16.217 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên 101.652 ca. Nước này cũng có thêm 292 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.587 người. Với số ca nhiễm mới liên tục tăng vọt qua các ngày, Mỹ đã vượt và bỏ xa Trung Quốc, nơi khởi phát và từng là điểm nóng dịch, trở thành "ổ dịch" lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng thành phố New York tới nay đã có ít nhất 25.573 ca mắc COVID-19. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết thành phố đã nhận 2.500 máy thở trong tuần qua, nhưng vẫn cần thêm 15.000 chiếc, trong khi bang New York cần thêm 30.000 máy thở. Trước tình hình đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đảm bảo thêm 100.000 máy thở trong 00 ngày tới. Rạng sáng 28/3, ông Trump đã chỉ định Cố vấn kinh tế Peter Navarro làm người điều phối Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm huy động các nguồn lực sản xuất phục vụ chống đại dịch như trong thời chiến.

Hạ viện Mỹ ngày 27/3 (rạng sáng 28/3 giờ VN) đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm kinh tế" (CARES Act) có qui mô 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã ký phê chuẩn.dự luật này. Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa COVID-19...

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã thông qua tuyên bố tình trạng đại thảm họa đối với bang Illinois. Trước đó, ông cũng ra tuyên bố tương tự đối với các bang New York, California, Florida, Washington và Louisiana. 

Ý có gần 1.000 người chết trong 24 giờ, châu Âu hơn 300.000 ca bệnh

Ngày 27/3 quốc gia tâm dịch của châu Âu lại ghi nhận một kỷ lục đáng sợ khác với 969 người chết trong 24 giờ. Đây cũng là số người chết theo ngày cao hơn mọi quốc gia khác trên thế giới kể từ khi đại dịch bùng lên.

Tây Ban Nha ngày 27/3 cũng ghi nhận số người chết kỷ lục theo ngày tại nước này với 769 trường hợp tử vong. Pháp có 299 người chết cùng ngày. Theo AFP, toàn thế giới đã có hơn 26.000 người chết vì virus corona.

Tín hiệu tích cực hiện nay là cả Ý và Tây Ban Nha đều có vẻ như đang ghi nhận tốc độ lây nhiễm mới chậm lại.

Singapore phạt nặng nếu đứng gần nhau dưới 1m

Từ ngày 27/3, những người ngồi gần nhau trong phạm vi 1m ở nhà hàng hoặc đứng cách người khác 1m ở khu mua sắm tại Singapore có thể bị phạt tù vì không giữ khoảng cách tiếp xúc .

Theo Reuters, biện pháp mới khá mạnh tay của Singapore để phòng chống COVID-19 đang khiến dư luận rất hoang mang và mong được hướng dẫn cụ thể hơn.

Người dân thắc mắc luật này có áp dụng trên những chuyến tàu đông khách vào giờ cao điểm không hoặc giữa người thân trong gia đình nhưng có việc đi tới nơi công cộng như cha/mẹ và con nhỏ thì thế nào.

Theo AFP, luật cách xa nhau từ 1m trở lên có hiệu lực thi hành từ 27/3 và kéo dài đến 30/4, cùng các biện pháp như đóng cửa quán bar, cấm tụ tập trên 10 người trừ ở công sở và trường học.

Cá nhân và doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt đến 10.000 đôla Singapore (tương đương gần 7.000 USD), ở tù tối đa 6 tháng hoặc cả hai hình phạt. 

Đối với doanh nghiệp, họ có trách nhiệm kê mỗi chiếc ghế cách xa nhau ít nhất 1m và nhắc nhở khách hàng không đứng gần nhau khi xếp hàng.

Từ đầu mùa dịch đến nay, Singapore được quốc tế ca ngợi vì đã mạnh tay đưa ra những biện pháp để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Nhà chức trách cũng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp mạnh hơn nếu người dân không nghiêm túc giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội.

Singapore hiện có tổng cộng 683 ca nhiễm virus corona chủng mới và 2 trường hợp tử vong.

Malaysia có số ca nhiễm cao nhất Đông - Nam Á

Bộ Y tế Malaysia thông báo, Malaysia hôm nay ghi nhận 130 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 2.161. Đến nay, đã có 26 người tại Malaysia tử vong do chủng virus corona mới. Ông Noor Hisham, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, cho biết, trong các ca bệnh tại nước này, 259 người đã khỏi bệnh và xuất viện, trong khi 54 người khác đang được điều trị tại khoa chăm sóc tích cực và 34 người đang cần máy thở hỗ trợ.

Từ hôm nay, Bộ Y tế Malaysia đặt mục tiêu lấy 300 mẫu xét nghiệm/ngày tại các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ở Simpang Renggam, quận Kluang, bang Johor. Nhân viên y tế sẽ ưu tiên làm xét nghiệm cho những người có tiếp xúc gần với người bệnh, người có triệu chứng mắc bệnh và những nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 nhất. Chính phủ Malaysia công bố các biện pháp nêu trên sau khi 61 trong 88 ca mới tại bang Johor được phát hiện trong hai khu vực trên địa bàn.

Theo ông Hisham, lệnh tăng cường kiểm soát các hoạt động đi lại sẽ được thực thi tại hai khu vực thuộc quận Kluang, bang Johor, sau khi số ca bệnh tại các khu vực này đạt đỉnh. Lệnh tăng cường sẽ tác động đến hơn 3.500 người dân tại hai khu vực nêu trên và có hiệu lực từ ngày 27/3 đến 9/4. Chính phủ sẽ cung cấp cho người dân tại hai khu vực này. Các nhà chức trách sẽ không cho phép người ngoài đi vào và tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh tại đây.

Bộ Y tế Malaysia cũng cho biết, các khu vực có hơn 41 ca nhiễm sẽ được xác định là “vùng đỏ”, khu vực có từ 20 đến 40 ca nhiễm được gọi là “vùng cam”. Bộ này khuyến cáo những người sống trong vùng đỏ phải tăng cường thực hiện biện pháp phòng bệnh. Tính đến 1 giờ 34 phút chiều 27/3 (giờ địa phương), Malaysia có tổng cộng 15 vùng đỏ, trong đó có khu vực Petaling Jaya và Hulu Langat tại bang Selangor, nơi ghi nhận lần lượt 176 và 186 ca bệnh.

Malaysia sẽ thực thi lệnh kiểm soát đi lại cho đến ngày 14/4, trong đó có đóng cửa các cửa hàng, trường học và hạn chế di chuyển. Chính phủ Malaysia yêu cầu người dân ở nhà để góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 26/3 đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá hơn 57 tỷ USD, gồm các khoản trợ cấp đặc biệt cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tiền mặt và kế hoạch tín dụng vi mô cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm làm giảm tác động của dịch COVID-19.

Indonesia và Philippines ghi nhận số ca mới trong ngày cao kỷ lục

Bộ Y tế Indonesia vừa thông báo nước này đã ghi nhận thêm 153 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng cao kỷ lục về số người nhiễm mới trong vòng một ngày ở Indonesia. Tính đến ngày 27/3, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với hơn 260 triệu dân, đã ghi nhận 1.046 ca nhiễm và 87 ca tử vong do COVID-19.

Người phát ngôn Hiệp hội Bác sĩ Indonesia Halik Malik thừa nhận, hệ thống y tế của nước này không mạnh như của các nước khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Indonesia, trung bình 1/4 bác sĩ sẽ phụ trách 10 nghìn người bệnh, trong khi con số này tại Malaysia là 15 bác sĩ và tại Australia là 35 bác sĩ. Lực lượng đặc trách về dịch COVID-19 tại Indonesia ước tính, có tới 700 nghìn người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Chính phủ Indonesia đã chuyển đổi công năng của Làng vận động viên phục vụ Asian Games 2018 thành trung tâm điều trị khẩn cấp nhằm giúp giảm áp lực đối với hệ thống bệnh viện của nước này.

Mức cao kỷ lục trong ngày cũng được xác nhận tại Philippines, với 96 ca nhiễm mới. Thông báo của giới chức y tế Philippines hôm nay cho biết, nước này có thêm chín ca tử vong do COVID-19. Tính đến chiều 2/-3, Philippines có tổng cộng 54 trường hợp tử vong và 803 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.20166 sec| 829.977 kb