Thông tin từ Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị kiến ba khoang đốt (cắn) dẫn đến tình trạng viêm da. Các bệnh nhân đến khám trong tình trạng da sưng đỏ, ửng mủ, kéo dài thành vệt gây đau rát.
Theo như thống kê, số người đến khám do viêm da tiếp xúc côn trùng rất hiếm thì từ tháng 6 trở đi, con số này tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 80-100 ca bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Kiến ba khoang là côn trùng thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao thuận lợi cho kiến phát triển.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết kiến ba khoang là côn trùng thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao thuận lợi cho kiến phát triển.
Khi bị kiến ba khoang cắn, sẽ gây ra các tổn thương thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Người dân thường nhầm lẫn bệnh này với giời leo (zona). Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
Đa phần bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn. Một số trường hợp vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng nên được cho thuốc uống và kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.
Một số cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần bị kích thích nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng nặng toàn thân.
Nhiều trường hợp bị kiến ba khoang đốt.
Vết thương do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang sẽ mất tầm một tuần đến 10 ngày là lành thương, ít để lại sẹo nhưng có vết thâm do tăng sắc tố sau viêm.
Mụn mủ là phản ứng viêm da bình thường của cơ thể, không nên cố nặn ra để lại vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và để lại sẹo.
Cách xử lý bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Tuy nhiên, do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hoặc bị giết.
Vết thương do kiến ba khoang gây ra.
Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không được đập vào da khiến cho chất độc phát tán và lan rộng mà cố gắng chỉ đuổi nhẹ.
Thông thường, nếu chỉ bị tổn thương tại chỗ không có lan rộng toàn thân thì chỉ cần rửa sạch vết thương, sau đó bôi thuốc tại chỗ. Nếu tổn thương lan rộng toàn thân hoặc diện tích tổn thương lan rộng ra thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để tránh tiếp xúc kiến ba khoang, những người có thói quen đi ra ngoài vườn cây để làm vườn thì nên bận quần áo dài tay, tốt nhất là mang găng tay, găng chân để bảo vệ che chắn các vùng da trên cơ thể.
Sau khi làm vườn xong, nên tháo găng tay chân ra, rửa tay chân lại liền, tốt nhất là tắm rửa sơ qua rồi thay đồ ngay.