Ăn đủ chất
Ăn đủ chất giúp làm ấm cơ thể trong mùa đông
Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm... Chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calori và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể gây mất ngủ do đầy bụng trướng hơi và đi tiểu nhiều.
Bên cạnh đó, cần dùng những thức ăn nóng ấm, rắc thêm ít tiêu sẽ giúp làm ấm vùng phổi. Tăng cường các loại trái cây có tác dụng giữ ấm phổi, tốt cho hệ hô hấp như nhãn, xoài, ổi...
Ngâm chân bằng nước ấm
Mùa đông, thời tiết lạnh khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm... Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân. Vì thế, ngoài việc giữ ấm cơ thể cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân. Giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút. Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,... Ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp “sưởi ấm” cho cả chân và cơ thể, giúp có giấc ngủ ngon.
Chú ý, khi đi ra ngoài lạnh về, không nên hơ ngay bàn chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, kể cả chăn sưởi ấm quá nóng. Dùng bít tất ngắn có chất liệu sợi bông, len. Nên đi giầy đế dày và có tấm lót. Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân.
Uống trà ấm
Trà chanh nóng
Đây là sự kết hợp của trà xanh, nước chanh và hương vani sẽ giúp cảm nhận được thanh khiết và ấm áp. Với thức uống này sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin C. 1 cốc trà xanh nóng hoặc trà xanh túi lọc, 3 thìa nước cốt chanh, 1 thìa nhỏ vani, đường nâu hoặc chất tạo ngọt khác (sirô) vừa đủ.
Nếu dùng trà túi lọc, ngâm trà trong vòng 4 - 5 phút rồi vớt túi ra. Từ từ khuấy đều nước chanh và vani, thêm đường hoặc siro khuấy đến khi tan đều. Thêm vài lát chanh trang trí và thưởng thức.
Trà gừng cam thảo
Nếu bạn chỉ muốn dùng trà, thức uống này là sự lựa chọn thông minh. Gừng tươi làm dịu chứng đau rát cổ họng khi bị cảm lạnh, còn cam thảo làm cho tách trà của bạn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Trà hoa cúc
Một tách trà hoa cúc trắng sẽ giúp bạn chữa phong nhiệt cảm mạo, đau đầu, tăng huyết áp, chóng mặt,... Trà hoa cúc vàng cũng thường dùng trong phòng cảm lạnh, cúm, viêm mủ da, hoa mắt, tăng huyết áp,...
Vì hoa cúc có tính mát, tác dụng thanh nhiệt nên những người tỳ vị hư hàn, hay lạnh tay chân, lạnh bụng, huyết áp thấp thì không nên dùng trà hoa cúc.