Thứ 6, 19/04/2024, 22:23 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết

Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết
(Tieudung.vn) - Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Vì vậy, mẹ cần chú ý để chăm sóc trẻ đúng cách.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết

Bạn cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách khi bị sốt xuất huyết. Nguồn ảnh: Internet 

Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu của ở trẻ em, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

xét nghiệm máu ở giai đoạn sốt thường không phản ánh rõ ràng. Cụ thể, dung tích hồng cầu (Hematocrit) đa số là bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, trong khi đó lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).

Như vậy, khi đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm, có thể khiến bé tử vong. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.

Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Hướng dẫn cách chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết

Phụ huynh đôi khi nghĩ rằng con mình đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại. Thực tế, sốt xuất huyết hiện tại có 4 type virus Dengue gây bệnh, nên trẻ vẫn có thể bị sốt xuất huyết trở lại khi nhiễm type virus khác lần đầu.

Khi con bị sốt, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt quá cao.

Chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ: Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa. Ở một số nơi vẫn còn tập quán "cạo gió","cắt lễ" khi trẻ sốt. Việc làm này dễ khiến trẻ bị bầm da, chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ dụng cụ cắt da. Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: Cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: Nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng...

Mặc quần áo phù hợp: Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm kín gió khi trẻ không sốt.

Các ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết là ngày thứ 3 - 4 - 5 của bệnh. Giai đoạn này trẻ thường hết sốt, nhưng mệt hơn, ói, đau bụng hoặc có xuất huyết kín đáo. Đôi khi người nhà thấy trẻ hết sốt nên không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh nặng. Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.

Tags:
3.5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.22493 sec| 786.914 kb