Uống nhiều nước
Giữ nước cho cơ thể trong hầu hết các thời điểm là rất quan trọng, nhất là khi không khí khô hơn. Việc hydrat hóa sẽ giúp ích về lâu dài vì uống đủ nước giúp loại bỏ các độc tố, loại bỏ chất nhầy ra khỏi cơ thể và giữ ẩm cho đường mũi, cổ họng, tạo ít cơ hội cho vi khuẩn bám vào.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Vận động thường xuyên
Nếu duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng, thì vận động thường xuyên giúp giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Để vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để luyện tập thể dục. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để duy trì sức khỏe, người lớn cần luyện tập ở cường độ vừa 150 phút/ tuần, và cường độ nặng 75 phút/ tuần; đồng thời duy trì các loại hình vận động có tính kháng lực 2 lần tuần nhằm tăng cường sức cơ.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cân bằng
Kết hợp trái cây và rau quả tươi trong bữa ăn, bổ sung lượng vitamin và khoáng chất lý tưởng, sau đó ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể luôn trong tình trạng ổn định và tạo sức mạnh chống lại bệnh tật. Tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin C. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm ổi, ớt ngọt đỏ, cam và nước ép bưởi. Tiêu thụ thực phẩm giàu kẽm để chống nhiễm trùng.
Thực hành vệ sinh đúng cách
Việc vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi… giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Nên sử dụng khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa hữu ích để giữ ấm, giữ sạch vùng mũi để tránh nhiễm virus và nâng cao khả năng phòng vệ miễn dịch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng cũng là cách để ngăn vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể một cách hiệu quả.
Tiêm phòng
Khi chuyển từ mùa này sang mùa khác, virus liên tục thay đổi và thường không rõ nguồn gốc, tốt nhất nên tiêm phòng cúm để phòng ngừa.
Chẩn đoán kịp thời
Hầu hết các bệnh gây viêm đều có thể dẫn đến sốt. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp. Hàng năm, với những thay đổi theo mùa xảy ra ở các vùng miền thường khác nhau sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh, ví dụ ở thời điểm này người dân miền Bắc đang bị ảnh hưởng do sốt xuất huyết gia tăng.
Ngoài ra, hãy ngủ đủ 8 tiếng, ở trong nhà khi bị ốm, tham khảo ý kiến bác sĩ khi dị ứng kéo dài… là một số biện pháp có thể giúp mọi người tăng sức miễn dịch, giảm nguy có mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
Những loại thực phẩm nên ăn vào mùa thu?
Mùa thu là mùa của nhiều loại rau củ và trái cây hoàn hảo, thơm ngon có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều rau, trái cây cùng với protein, ngũ cốc và các loại đậu sẽ hỗ trợ một trái tim khỏe mạnh. Với việc chọn các thực phẩm theo mùa, bạn sẽ tăng cường lợi ích sức khỏe bản thân vì tận dụng được nhiều dinh dưỡng từ thực phẩm. Dưới đây là môt số loại trái cây và rau củ rất tốt cho sức khỏe vào mùa thu mà bạn không nên bỏ qua.
Táo
Táo rất giàu các chất chống oxy hóa và chất xơ. Nhiều người thậm chí còn quan niệm ăn một quả táo mỗi ngày sẽ không phải đến bác sĩ. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến táo thành các món như sa lát hoa quả, bánh nướng.
Cải bó xôi
Rau bina (hay còn gọi là cải bó xôi) có nguồn giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều caroten, protein, sắt, canxi, phốt pho, vitamin K và các chất có lợi cho cơ thể. Nhờ giàu hàm lượng riboflavin nên cải bó xôi có thể ngăn ngừa tình trạng loét miệng, viêm môi, hoặc các bệnh viêm da thường gặp vào mùa thu, thậm chí còn giảm bớt hiện tượng da sần sùi, bồi bổ khí huyết giúp tiêu hóa tốt hơn.
Củ sen
Tiết trời mùa thu hanh khô, ăn củ sen có thể giúp thanh nhiệt, nhuận phổi, giảm ho khan. Ngoài ra, củ sen còn giàu giá trị dinh dưỡng cao, giàu sắt, canxi, đạm thực vật, vitamin, tinh bột và các chất khác nên rất bổ khí, bổ huyết, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Súp lơ trắng
Súp lơ trắng lại là loại thực phẩm rất giàu vitamin. Cứ 200gr súp lơ tươi có thể cung cấp cho người lớn tới 75% lượng vitamin A cần thiết trong một ngày. Hàm lượng vitamin C của súp lơ cũng khá nổi bật nên việc bổ sung súp lơ trắng vào mùa thu rất tốt cho sức khỏe.
Bí ngô
Mùa thu là mùa hanh khô, đặc biệt là ở miền Bắc nên tình trạng da nứt nẻ thường xuất hiện nhiều. Lúc này, bí đỏ sẽ là loại thực phẩm giàu vitamin A và vitamin E rất tốt trong việc khắc phục triệu chứng này. Ăn bí đỏ vào mùa thu vừa có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, vừa cải thiện tình trạng khô hanh của da vào mùa thu.
Lê
Không khí khô vào mùa thu thường có ít độ ẩm hơn nên lúc này cần bổ sung lê vì nó mọng nước (chứa đến 85%) nước và giàu vitamin cùng các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, i-ốt... Ăn lê thường xuyên có thể làm dịu cơn hanh khô mùa thu, thúc đẩy chất lỏng trong cơ thể và nuôi dưỡng phổi.
Khoai lang
Khoai lang chứa nhiều vitamin A, sắt, có tác dụng chống viêm và được cho là bổ dưỡng hơn khoai tây. Sẽ tốt hơn nếu bạn nướng khoai lang thay vì hấp vì sẽ giữ được nhiều dưỡng chất và tăng hương vị cho món ăn.