Không có bác sĩ Nguyễn Hữu Vị?
Trong vai khách hàng, phóng viên liên lạc vào số Hotline “0818002279” của Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing và được nhân viên tên Nhi tư vấn dịch vụ đặt túi ngực kết hợp treo ngực sa trễ và dịch vụ hút mỡ bụng.
Cở sở thẩm mỹ gắn bảng hiệu "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing" ở địa chỉ 324/8 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy
Theo đúng lịch hẹn với Nhi, chiều ngày 24/2, phóng viên tìm đến trụ sở của Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing ở địa chỉ 324/8 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh để được thăm khám.
Tại đây, phóng viên được một người đàn ông tự nhận là bác sĩ Nguyễn Hữu Vị thăm khám. Tuy nhiên, kì lạ là vị bác sĩ này không mặc áo blouse, không đeo bảng tên, và cũng không hề thăm khám gì cho phóng viên, mà chỉ đơn thuần là trò chuyện và báo giá dịch vụ.
“Không cần thăm khám gì phức tạp, chỉ cần nhìn qua là anh biết rồi. Nếu em muốn đẹp thì treo ngực phải kết hợp với đặt túi. Còn khi hút mỡ bụng anh sẽ tạo thành bụng cho em” – bác sĩ Vị nói và nhấn mạnh, sẽ là người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho phóng viên.
Sau khoảng 2 phút tư vấn ngắn ngủi, bác sĩ Vị báo giá 150 triệu đồng cho tất cả các dịch vụ. Đồng thời, yêu cầu phóng viên đặt cọc trước 30%, tức 45 triệu đồng: “Em đồng ý làm thì ngày phẫu thuật sẽ do em chọn, nhưng phải chuyển khoản đặt cọc trước cho anh, sau đó anh dắt em qua bệnh viện Việt Sing của bên anh khám tổng quát, rút máu, siêu âm,…” – bác sĩ Vị nói và nhanh chóng rời đi.
Thấy phóng viên còn lưỡng lự, Nhi tiếp lời: “Bác sĩ Vị đã mổ cho rất nhiều ca, nên bác đâu cần phải khám, chỉ cần nhìn qua là bác đã biết phải làm kiểu gì cho đẹp. Chị đặt cọc trước cho bên em để giữ chương trình ưu đãi, và sẽ được đích thân bác sĩ Vị mổ”.
Sau đó, Nhi nhắn tin cho phóng viên số tài khoản ngân hàng “0181….1148” (ngân hàng Vietcombank), mang tên “Nguyễn Hữu Vị”, và yêu cầu phóng viên chuyển khoản 45 triệu đồng.
Đến ngày 25/2, Nhi gọi điện thoại hối thúc phóng viên chuyển tiền: “Đúng giá là chị phải đóng tận 220 triệu đồng, nhưng em ưu tiên cho chị đặt cọc trước nên giá chỉ còn 150 triệu đồng. Chị đã qua trực tiếp bên em, thấy cơ sở vật chất bên em rồi, chị cứ yên tâm chuyển tiền vào số tài khoản của bác Vị, xong chụp màn hình gửi cho em, em sẽ viết hóa đơn cho chị” – Nhi nói.
Trong suốt quá trình tư vấn, Nhi liên tục khẳng định bác sĩ Vị đã trực tiếp thực hiện hàng trăm ca mổ. Nếu không đặt cọc trước thì bác sĩ Vị sẽ không thể sắp xếp lịch mổ cho phóng viên vì số người mong muốn được bác sĩ Vị mổ là quá đông. Tuy nhiên, đâu là sự thật?
Tra cứu trên cổng tra cứu thông tin về hoạt động khám chữa bệnh ngành y tế TP Hồ Chí Minh, nội dung “người hành nghề y”, phóng viên ghi nhận thấy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hiện không cập nhật bất cứ thông tin nào về bác sĩ Nguyễn Hữu Vị. Điều này đặt ra nghi vấn, người đàn ông tự nhận là bác sĩ Nguyễn Hữu Vị, trên thực tế không phải là bác sĩ? Vậy, ông Nguyễn Hữu Vị là ai?
Người đàn ông tự nhận là bác sĩ Nguyễn Hữu Vị (không mặc áo blouse, không đeo bảng tên) đang báo giá cho phóng viên. Ảnh cắt từ clip
Bác sĩ Y học cổ truyền mổ thẩm mỹ?
Ngày 13/3, một lần nữa trong vai khách hàng, phóng viên yêu cầu Nhi cung cấp số chứng chỉ hành nghề y của bác sĩ Vị. Tuy nhiên, trái ngược với những tư vấn ban đầu, Nhi cho biết, ông Nguyễn Hữu Vị là Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing nên không thể đứng mổ. Thay vào đó, bác sĩ mổ chính cho phóng viên sẽ là bác sĩ CKII Hồ Thanh Hải.
Vì đột ngột thay đổi bác sĩ, ngày 14/3, trao đổi với qua điện thoại, ông Vị trấn an phóng viên: “Trong ca mổ sẽ có cả anh và bác sĩ Hải, anh là Giám đốc bệnh viện cho nên anh phải theo suốt ca mổ, vì nếu có chuyện gì xảy ra anh sẽ là người chịu trách nhiệm”.
Liên quan đến công tác quản lý bác sĩ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, sáng ngày 30/3, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cán bộ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các bác sĩ đang hành nghề khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh thì đều có thể tra cứu thông tin về chứng chỉ hành nghề của bác sĩ trên cổng tra cứu thông tin về hoạt động khám chữa bệnh ngành y tế TP. Với các bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề ở các tỉnh, thành khác nhưng hiện đang hành nghề Y tại TP Hồ Chí Minh thì cũng tra cứu được thông tin về chứng chỉ hành nghề của bác sĩ trên cổng tra cứu thông tin về hoạt động khám chữa bệnh ngành y tế TP, với điều kiện là cơ sở có đăng ký. "Trong trường hợp bác sĩ có chứng chỉ hành nghề mà cơ sở không đăng ký lên Sở Y tế thì đó là lỗi của cơ sở. Khi các cơ sở đăng ký báo cáo với Sở Y tế về nhận sự hoạt động tại đơn vị của mình (thuê, mướn...) thì nguyên tắc là phải đăng ký đầy đủ nhân sự, và nhập thông tin trên Cổng để Sở Y tế biết và theo dõi. Với các trường hợp đã hoạt động mà không đăng ký thì kiểm tra hành chính sẽ xử lý theo quy định" - cán bộ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin. |
Liên quan đến bác sĩ Hồ Thanh Hải, theo tìm hiểu, vị bác sĩ này được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp số chứng chỉ 0428.../HCM-CCHN (ngày 9/8/2018), với phạm vi hành nghề là kỹ thuật viên xét nghiệm.
Và số chứng chỉ 0025.../HCM-CCHN (ngày 9/8/2013), với phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (Bác sĩ y khoa số B001...).
Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế không ghi nhận bác sĩ Hồ Thanh Hải có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo lời ông giám đốc Vị thì bác sĩ Hồ Thanh Hải sẽ là người mổ thẩm mỹ cho phóng viên. Vậy, nếu đúng bác sĩ Hồ Thanh Hải (bác sĩ đã đăng ký hành nghề khám chữa bệnh trên cổng thông tin Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) thì phạm vi hành nghề chỉ là "khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền"...mà mổ thẩm mỹ thì nguy quá!
Chia sẻ với báo Kinh tế và Đô thị, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, để có một ca phẫu thuật thẩm mỹ đẹp, an toàn cần 4 yếu tố quyết định: Bác sĩ chất lượng (có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên khoa); bệnh viện an toàn (cơ sở trang thiết bị hiện đại); bệnh nhân an toàn (sức khỏe tốt, kiểm tra sức khỏe tốt); sản phẩm - vật liệu an toàn (đầy đủ giấy phép hợp pháp).
“Bác sĩ chất lượng là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của một ca phẫu thuật thẩm mỹ. Ở đây, có thể hiểu, đó phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ, được đào tạo liên tục, huấn luyện mỗi ngày, có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thẩm mỹ. Bác sĩ thẩm mỹ giỏi ít nhất phải có từ 10 - 15 năm kinh nghiệm mới có thể đứng mổ một cách chỉn chu được” - vị này nói và nhấn mạnh, để mang đến sự an toàn về tính mạng cho người tiêu dùng, ngoài bác sĩ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, thì cũng rất cần sự giám sát về chuyên môn bởi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bởi thị trường thẩm mỹ hiện này vô cùng bát nháo.
“Phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là một chút là tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đấy là lý do vì sao mà các bác sĩ phải được đào tạo rất bài bản mới có thể tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trên bệnh nhân. Điều này cũng lý giải vì sao khi “bác sĩ tay ngang” mổ thẩm mỹ ngày một tăng, cũng là lúc các ca tai nạn thẩm mỹ nhiều lên” – bác sĩ này nói thêm.
Đến đây, thật khó để hình dung, ca phẫu thuật thẩm mỹ (có gây mê) ở Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing sẽ diễn ra như thế nào, khi bác sĩ Hồ Thanh Hải là bác sĩ Y học cổ truyền và không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ?
Với rất nhiều những dấu hiệu hoạt động không minh bạch, liệu rằng cơ sở thẩm mỹ mang tên “Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing” có thật sự là bệnh viện thẩm mỹ như những gì cơ sở này đang quảng cáo đến khách hàng?
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau!
Từng xử lý hình sự bác sĩ Đinh Viết Hưng Ngày 26/3/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bác sĩ Đinh Viết Hưng (ngụ quận 10) để điều tra về tội "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác". Đây được xem là vụ tai biến hiếm hoi được xử lý hình sự từ trước đến nay. Cơ quan điều tra xác định ông Hưng là bác sĩ, người phẫu thuật đặt túi ngực cho nữ khách hàng 33 tuổi vào tháng 10/2019 tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (quận 10, TP Hồ Chí Minh) làm nữ khách hàng tử vong. Ông Hưng đồng thời cũng là người hút mỡ bụng cho một khách hàng khác đang mang thai (ngụ Hà Nội) vào tháng 9/2019 cũng tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas. Lúc bấy giờ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân này sau đặt túi nâng ngực là suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim, rối loạn nhịp tim nặng... Sai sót chuyên môn của bác sĩ là chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra. Ngoài ra bác sĩ Hưng cũng có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ. |