Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin chia sẻ từ chị N.T.T.Th. (29 tuổi, quê Lâm Đồng) khi cho biết bệnh viện Phụ sản Mê Kông đã khiến chị liệt nửa người sau khi sinh mổ tại bệnh viện.
Liên lạc với gia đình chị Th. ngày 20/1, anh N.Đ.T.P. (ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, ngày 2/11/2020, vợ mình là chị N.T.T.Th đến bệnh viện Phụ sản MêKông để nhập viện và yêu cầu mổ lấy thai do thai lớn, tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp.
Bệnh viện Phụ sản MêKông.
Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập viện, chị Th. được đưa đi nhận phòng lưu trú.
Tại đây, nữ hộ sinh có khám và hỏi tình trạng của sản phụ thì được chị Th. thông báo có tiền sử dị ứng thuốc tê.
Nữ hộ sinh nghe rõ và có dán biểu tượng lưu ý việc dị ứng trên cho sản phụ.
Tại phòng tiền phẫu, thai phụ một lần nữa trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê (mổ chân và răng) và yêu cầu gây mê. Sau khi hội chẩn tiền phẫu, chị T. được ê-kíp thống nhất thông báo sẽ gây mê để mổ lấy thai.
Tuy nhiên theo anh P., khi vào phòng mổ một bác sĩ thực hiện gây mê tên L.Q.H. đã tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê mà không thông báo trước với người nhà cũng như không được sự đồng ý của chị Th.
"Bác sĩ đã bỏ qua tiền sử dị ứng thuốc tê của bệnh nhân, bỏ qua kết quả hội chẩn tiền phẫu, tự ý gây tê mặc cho vợ tôi van xin trong phòng mổ. Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, người vợ tôi co giật mạnh, nôn mửa liên tục trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật", anh P. cho biết.
Sản phụ N.T.T.Th..
Sau khi được mổ bắt con, chị Th. được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện bị liệt nửa người bên trái, hoàn toàn không cử động được. Đến lúc này các bác sĩ mới gọi anh P. đến để báo về tình trạng hậu phẫu nhưng không đề cập đến vấn đề tự ý gây tê.
Bệnh viện Phụ sản MêKông đưa ra phương án liên hệ bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ hội chẩn, xét nghiệm và điều trị, sau khi ổn định thì trở về bệnh viện Phụ sản MêKông để tiến hành chăm sóc hậu sản.
Tuy nhiên theo anh P., trong thời gian vợ anh được chuyển sang khoa Nội Thần kinh huyết học của bệnh viện Nhân dân Gia Định, phía bệnh viện Phụ sản MêKông không có mặt để hỗ trợ, theo dõi.
Hiện tại, mọi sinh hoạt của chị N.T.T.Th. đều nhờ tới sự giúp đỡ của người thân.
Một thời gian sau, chị Th. được phía bệnh viện Phụ sản MêKông mời bác sĩ vật lý trị liệu đến để tập luyện phục hồi chức năng.
Nhưng theo anh P., thời gian tập thường xuyên bị ngắt quãng, bác sĩ nhiều ngày không đến và phía bệnh viện phụ sản có dấu hiệu chậm trễ, lơ là trong việc điều trị.
Theo biên bản làm việc giữa 2 bên, kết quả họp hội đồng chuyên môn ngày 24/11/2020 của bệnh viện xác định phương pháp gây tê tủy sống là chưa phù hợp, chưa tìm được nguyên nhân gây yếu nửa người cho sản phụ. Lãnh đạo bệnh viện khẳng định sẽ chịu trách nhiệm về lỗi chủ quan của bác sĩ H. khi sử dụng phương pháp gây tê mà không báo cho người nhà biết.
Tuy nhiên phía bệnh viện Phụ sản MêKông lại nhận định chưa có bằng chứng tác dụng phụ của thuốc tê gây yếu nửa người cho bệnh nhân khiến gia đình bức xúc.
"Đến nay, vợ tôi phải đối mặt với việc không điều khiển được nửa người bên trái, cũng như sang chấn tâm lý, mất ngủ hoảng loạn hàng đêm. Trong suốt gần 50 ngày nằm viện, sắp xếp 2 buổi gặp mặt với gia đình nhưng không đưa ra kết luận cuối cùng cụ thể. Điều này làm gia đình tôi vô cùng phẫn nộ về cách thức làm việc cũng như giải quyết sự cố của bệnh viện”, anh P. bức xúc nói.
Chị Th. hiện tại sức khỏe khá yếu.
Chia sẻ qua điện thoại sáng 20/1, chị Th. cho biết hiện tại sức khỏe của chị yếu, mệt mỏi trong người, những sinh hoạt hàng ngày đều không làm được phải nhờ đến người thân trợ giúp. Ngay cả việc ẵm con, cho con bú cũng không được khiến chị rất đau xót.
Phía gia đình chị Th. mong muốn phía bệnh viện phải cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
Bệnh viện Phụ sản MêKông thừa nhận sai sót
Chiều 20/1, đại diện bệnh viện Phụ Sản MêKông đã có những phản hồi chính thức. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, sự việc của sản phụ Th. là tai biến y khoa và gây ảnh hưởng nặng nề cho bệnh nhân lẫn bệnh viện trong thời gian qua. Theo bệnh sử bệnh viện cung cấp, bệnh nhân nhập viện ngày 2/11/2020 khi thai 39 tuần tuổi, có ghi nhận tiền sử 2 lần dị ứng thuốc tê, tiểu đường thai kỳ.
Trước đó khi thai 30 tuần tuổi, bệnh nhân đã có dấu hiệu liệt nửa người thoáng qua.
Nắm được điều này, khi tiến hành mổ bắt con cho sản phụ, bác sĩ L.Q.H. trong ekip trực đã cho chị Th. test thuốc một lần nữa nhưng kết quả cho thấy sản phụ không có nguy cơ dị ứng thuốc tê. Dù vậy việc bác sĩ này tự ý chuyển từ phương pháp chỉ định gây mê sang gây tê tuỷ sống, bệnh viện Phụ sản MêKông thừa nhận sai quy trình.
"Lúc ấy bản thân bác sĩ H. mong muốn tìm phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân nên đã quyết định gây tê tủy sống, vì gây mê tiềm ẩn nhiều rủi ro tai biến. Nhưng không may bệnh nhân lại gặp biến chứng" - bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện chia sẻ.
Đại diện Bệnh viện Phụ sản Mê Kông trong buổi họp báo trả lời về vụ việc sản phụ bị liệt nửa người sau khi mổ lấy thai.
Phía bệnh viện cũng cam kết sẽ phối hợp với các bệnh viện liên quan để mang lại sự phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân.
"Sau sự việc đau lòng này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc về quy trình xử lý, kiểm soát chặt hơn vấn đề gây tê, gây mê. Bệnh viện thật sự muốn sản phụ Th. ngồi đây để chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Bệnh viện hoàn toàn không hề bỏ bệnh nhân" - Bác sĩ Nguyệt nói.
Theo Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, tình trạng của sản phụ Th. hiếm gặp. Sau vụ việc, bệnh viện đã ngưng sử dụng loại thuốc gây tê này. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyệt khẳng định: “Sản phụ Th. không có biểu hiện của dị ứng thuốc tê hay sốc phản vệ như tụt huyết áp, trụy mạch, ngưng tim. Chúng tôi chụp MRI lần 2, tất cả xét nghiệm không thấy tổn thương thực tế nào. Hội đồng chuyên môn cũng chưa kết luận tình trạng của bệnh nhân là do thuốc gây tê”.
Theo bác sĩ Nguyệt, từ lúc xảy ra tai biến, bệnh viện đã nhờ ngay sự hỗ trợ từ bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán không xác định được nguyên nhân vì sao chị Th, liệt nửa người. Do đó bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hỗ trợ sản phụ điều trị nội khoa trong 2 ngày cho xuất viện vào ngày 4/11/2020.
Kể từ đây, sản phụ điều trị hậu sản tại bệnh viện Phụ sản MêKông liên tục 57 ngày. Suốt thời gian này phía bệnh viện có mời 115 hỗ trợ hội chẩn.
Ngoài ra còn mời bệnh viện Tâm Thần vì bệnh nhân có tiền sử trầm cảm từ lâu (nhưng khi nhập viện không khai). Bệnh nhân được điều trị uống và không còn tình trạng ảo thanh (nghe những tiếng động lạ vọng vào tai) nữa.
Sau đó, phía bệnh viện Phụ sản Mê Kông có liên hệ gia đình chị Th. để cho sản phụ về nhà nhằm đáp ứng tốt hơn việc chăm sóc.
Lý giải nguyên nhân bệnh viện chậm trễ trong việc trả tóm tắt bệnh án cho chị Th., bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn thừa nhận bệnh viện sơ suất trong việc phản hồi đơn đề nghị của bệnh nhân.
“Đề nghị của bệnh nhân trùng với thời gian bệnh viện tập trung hoàn chỉnh hoạt động, chuẩn bị cho đợt kiểm tra của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nên có sự chậm trễ trong việc làm giấy xác nhận. Bên cạnh đó, tóm tắt bệnh án của bệnh nhân rất dày vì có đến 57 ngày nằm viện. Chúng tôi cân nhắc lựa chọn bản tóm tắt hoàn chỉnh cho bệnh nhân và phải trình lãnh đạo bệnh viện chỉnh sửa nhiều lần”, bác sĩ Tuấn nói thêm.
Về việc bệnh nhân cho rằng việc điều trị vật lý trị liệu ngày càng chậm trễ, phía bệnh viện Phụ sản MêKông giải thích những ngày ngắt quãng là do các bác sĩ điều trị bận đi thi nên không đến.
Bác sĩ Nguyệt cho biết, hiện bác sĩ L.Q.H đã nhận lỗi và xin thôi việc. "Bản thân bác sĩ L.Q.H. đã nhận sai. Bác sĩ H. rất buồn và sốc khi muốn tốt cho bệnh nhân mà lại gây ra tai biến, sau đó cũng gửi đơn thôi việc. Bệnh viện thông cảm với tâm lý của sản phụ Th. hiện tại và cảm ơn gia đình đã không làm khó dễ gì trong thời gian điều trị" - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện chia sẻ.
Phía bệnh viện khẳng định có báo sự việc đầy đủ cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.