Theo thông tin Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk, cho biết đang theo dõi vụ ba người là chị em gồm H’lan Niê (38 tuổi), H’Nin Niê Ê (30 tuổi) và Y Bil Niê (19 tuổi) cùng ở buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thịt cóc.
Theo thông tin ban đầu, chiều 14-10, ba chị em chị H’lan bắt một vài con cóc rồi làm thịt ăn (đã ăn nhiều lần và không bị ngộ độc). Khi phát hiện ba nạn nhân buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, gia đình đã đưa đến bệnh viện thị xã Buôn Hồ để điều trị, sau đó chuyển bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Phụ trách Trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thịt cóc không chứa độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh dọc hai sống lưng của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy. Nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.
Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm nếu sơ suất khi chế biến. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc. Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng… Tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi chế biến phải để thịt cóc sạch sẽ, không bị da, nhựa… dính vào.
Đối với những người tiêu dùng ngộ độc khi sử dụng thịt cóc, chất độc sẽ ngấm vào cơ thể và tác động đến các hệ cơ quan như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, tim mạch, tuần hoàn. Người dùng sẽ gặp phải các triệu chứng ngộ độc như tím tái, buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, có thể dẫn đến tử vong. Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ… và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.