Ăn nhẹ vào mấy ngày trước Tết
Bạn nên ăn nhẹ vào ngày trước Tết để đảm bảo sức khỏe.
Nếu bạn có ý định đãi khách vào đêm Tất niên, trước đó mấy hôm nên để dạ dày… thư giãn. Tránh uống rượu, ăn thức ăn có nhiều chất béo hay ăn các món sốt. Bữa trưa ngày 30 Tết, nên ăn nhẹ để chuẩn bị cho dạ dày phải làm việc nhiều vào bữa tối.
Hạn chế đồ ngọt, tăng cường chất xơ
Nếu bạn vẫn còn nhớ mình đã phải tập luyện cực khổ thế nào với mong muốn sở hữu cơ thể chắc khoẻ để ăn tết trọn vẹn thì hãy cân nhắc trước những mâm bánh mứt đầy mời gọi. Tết là dịp mà bạn nạp lượng đường vào cơ thể nhiều nhất và khó kiểm soát nhất. Đồ ngọt là nguyên nhân hàng đầu đẩy nhanh quá trình lão hoá, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và các bệnh liên quan đến vấn đề tim mạch.
Thay vào đó, bạn cần tăng cường chất xơ vào những ngày Tết này. Những bữa ăn thịnh soạn ngày Tết thường chứa nhiều chất đạm và tinh bột nhưng lại thiếu hẳn sự có mặt của rau xanh. Để hệ tiêu hoá có thể “chiến tốt” những ngày này, bạn cần bổ sung rau củ quả nhiều nhất có thể. Chất xơ không chỉ cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra tốt hơn.
Hạn chế thức uống có cồn, uống đủ nước
Chắc chắn những Tết sẽ không thể thiếu đi sự góp mặt của ly rượu, cốc bia. Tuy nhiên, đây lại là những thức uống không tốt cho sức khoẻ khi chúng là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến não, gan, tim, dạ dày và thậm chí ảnh hưởng đến cả vấn đề sinh sản. Vậy nên, người thông minh sẽ biết từ chối và dừng lại đúng lúc. Một vài ly vui vẻ, chuyện trò sẽ khác với những bữa tiệc “tới bến” ẩn chứa nhiều hiểm hoạ.
Với lịch trình bận rộn ngày Tết cùng với những bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và đường ngọt, không ít người sẽ quên mất việc cung cấp đủ lượng nước thiết yếu mỗi ngày cho cơ thể. Điều này khiến bạn dễ rơi vào tình trạng nóng trong người, táo bón, thậm chí là rối loạn thân nhiệt. Chưa kể, nếu bạn duy trì việc cơ thể thiếu nước nhiều ngày, bạn sẽ đối mặt với việc nhan sắc “xuống cấp” trầm trọng sau những ngày Tết.
Dự trữ thức ăn đúng cách
Việc chuẩn bị mâm cơm ngày Tết thịnh soạn kèm theo nhiều món ăn là điều không thể nào bỏ qua. Vì vậy chúng ta thường dự trữ một số lượng thức ăn khá lớn để chế biến trong những ngày Tết. Tuy nhiên, bảo quản thực phẩm khoa học để vừa tốt cho sức khỏe vừa giữ được giá trị dinh dưỡng không phải ai cũng hiểu rõ. Bác sĩ Võ Thanh Hải đưa ra lời khuyên:
Tủ lạnh: Phải thường xuyên làm sạch tủ lạnh. Không để tủ lạnh bị quá tải để đảm bảo đủ độ lạnh cần thiết. Và hãy nhớ, luôn giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C, tủ đông là dưới 0 độ C.
Thực phẩm tươi sống: Gồm các loại thịt, hải sản – sau khi mua về phải tiến hành sơ chế sạch sẽ, rửa nhiều nước và nhớ hãy để ráo. Sau đó phân chia thành từng phần để dễ dàng chế biến và tiện lấy ra sử dụng.
Thức ăn đã chế biến: Đối với thức ăn đã nấu chín, nên cân đối khối lượng vừa đủ cho một lần sử dụng vào từng hộp sạch, sau đó cho vào tủ lạnh. Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Tập thể dục hàng ngày
Không nên lấy cớ ngày Tết ngủ muộn để bỏ tập thể dục buổi sáng. Bạn muốn cho bộ máy tiêu hóa làm việc tốt hãy tham khảo bài tập đơn giản sau:
Xoa vào bụng theo chiều kim đồng hồ. Ban đầu ấn nhẹ, sau mạnh dần. Chú ý không làm quá đau.
Một số động tác Yoga cũng giúp tiêu hóa tốt: đứng, chân rộng bằng vai, nghiêng người về phía trước, hai tay chống đùi, cơ bụng co lại.