Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng sữa là một trong những bệnh dị ứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Nguồn ảnh: Internet
Người ta thấy tỷ lệ dị ứng thức ăn ở trẻ có phần cao hơn ở người lớn. Nếu tỷ lệ dị ứng thức ăn ở người lớn vào khoảng 3,7% thì ở trẻ em có phần lớn hơn, khoảng 5-6% ở trẻ em dưới 1 tuổi và thiếu niên.
Xét về mặt cách thức thì thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ em là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân huỷ bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ.
Vì thế mà các protein này cứ thế lọt nguyên xi qua lớp màng nhầy hệ tiêu hoá, vào tế bào ruột thậm chí là vào máu.
Sự đi vào toàn vẹn này là cơ sở gây ra một đáp ứng với vật “lạ” của hệ miễn dịch. Các phân tử protein thực phẩm này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi chúng lại tiếp tục được gắn với các dưỡng bào, những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE.
Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hoá học, đặc biệt là các histamin.
Những chất trung gian này bắt đầu gây ra những biến đổi cơ thể, là cơ sở của bệnh dị ứng: giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban; co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở; kích thích khiến gây ngứa dữ dội mà gãi không thể hết.
Thực phẩm trẻ dễ bị dị ứng nhất
Sữa bò
Dị ứng sữa là một trong những bệnh dị ứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, một phần là do hầu hết trẻ nhỏ đều được tiếp xúc với sữa ngay từ khi còn nhỏ.
Purvi Parikh, một nhà miễn dịch học của Mạng lưới Dị ứng và Hen suyễn nói rằng, trong số các chứng dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ em, dị ứng sữa và trứng là phổ biến nhất. Theo AAP, khoảng hai hoặc ba trong số 100 trẻ em dưới ba tuổi bị dị ứng sữa. Dị ứng sữa bò trước tiên có thể biểu hiện như rối loạn tiêu hóa ở trẻ đang uống sữa công thức làm từ sữa bò hoặc trẻ tiếp xúc với protein sữa bò qua sữa mẹ. Những trẻ này có thể bị nôn sau khi bú và có thể có các triệu chứng đầy hơi hoặc đau bụng. Một số trẻ cũng có thể bị ngứa da hoặc các triệu chứng chàm, nổi mề đay hoặc các vấn đề về hô hấp.
Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dị ứng đạm sữa bò ở trẻ xảy ra khi hệ miễn dịch trong cơ thể cho rằng protein có trong sữa bò là thành phần có hại, từ đó cơ thể sẽ tự sản sinh ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (chất gây dị ứng).
Lúa mì
Mặc dù hơi ít phổ biến hơn các loại dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em (sữa bò và trứng), trẻ em có thể dị ứng với lúa mì. Điều này có thể xảy ra khi lần đầu tiên sử dụng lúa mì cho trẻ sơ sinh, thường là ở dạng ngũ cốc dành cho trẻ em làm từ lúa mì.
Các loại thực phẩm chứa lúa mì thông thường khác mà trẻ em ăn bao gồm bánh mì hoặc mì ống. Các triệu chứng dị ứng lúa mì có thể bao gồm phát ban, ngứa da, hắt hơi, nghẹt mũi và các triệu chứng giống như hen suyễn. Giống như tất cả các trường hợp dị ứng thực phẩm, phản ứng phản vệ có thể xảy ra với dị ứng lúa mì. Một số trẻ có thể bị dị ứng cụ thể với thành phần gluten của các sản phẩm lúa mì. Đây được gọi là bệnh celiac, trong trường hợp tiếp xúc liên tục với gluten có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa và cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
Hải sản có vỏ
Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… là thực phẩm gây dị ứng cho trẻ, vì vậy các bác sỹ khuyên không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn hải sản. Trước khi cho bé ăn, chúng ta nên hỏi ý kiến bác sỹ cũng như tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản không.
Trẻ dị ứng với tôm cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc... Một số trẻ chỉ bị dị ứng trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng số khác lại bị suốt cả đời.
Dạng dị ứng này có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng nên nếu nhận thấy bé có biểu hiện bất thường sau khi ăn những đồ ăn hải sản thì cần ngừng ngay lại và cho con đến gặp bác sĩ để điều trị.
Trứng
Trứng rất bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, nhưng khi cho trẻ nhỏ ăn trứng, cần lưu ý vì đây là một trong các thực phẩm dễ gây dị ứng (chủ yếu là dị ứng với các protein trong lòng trắng trứng). Các triệu chứng dị ứng trứng thường xảy ra một vài phút đến vài giờ sau khi ăn trứng hoặc các loại thực phẩm có chứa trứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm phát ban da, nổi mề đay, viêm mũi, và nôn mửa hoặc các vấn đề tiêu hóa khác, thậm chí nguy hiểm hơn là gây ra sốc phản vệ - một phản ứng đe dọa tính mạng.
Không nên dùng trứng sống hay trứng chưa chín kỹ cho bé. Khi chế biến thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, nên tách lòng trắng ra để riêng và chỉ cho bé sử dụng lòng đỏ vì trong lòng trắng trứng có lượng protein khá cao, có thể gây dị ứng trong khi hệ miễn dịch và sức đề kháng của bé còn rất yếu.