Thông tin từ Bộ Y tế, cho biết, chiều 1-4 kết quả xét nghiệm bằng công nghệ RT-PCR cho thấy, cả 3 mẫu dương tính với COVID-19 hôm qua ghi nhận bằng test nhanh đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội ngày 31-3- Ảnh: Ngô Nhung
Theo giải thích từ các chuyên gia, test nhanh nhận kết quả dựa trên kháng thể trong máu, do mỗi người có thể có lượng kháng thể khác nhau, người cao, người thấp nên đôi lúc sẽ cho kết quả sai sót.
Do đó, test nhanh chỉ áp dụng sàng lọc những người có nguy cơ và cần thiết phải sử dụng phương pháp xét nghiệm Realtime RT-PCR để khẳng định kết quả chính xác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, cho hay, xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vSARS-CoV-2 hiện có 2 nhóm là phết họng tìm kháng nguyên (xác virus hoặc virus đang sinh sôi tại họng) và xét nghiệm máu tìm IgM/IgG.
Xét nghiệm nhanh lấy máu cho kết quả 10 phút là tìm kháng thể IgM/IgG. Mục tiêu của xét nghiệm nhanh này là để tầm soát và tìm ra người mắc bệnh sớm. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh không phải là xét nghiệm có tính khẳng định mắc COVID-19. Do xét nghiệm này có thể xảy ra tình trạng âm tính giả hoặc dương tính giả nên tùy theo mức độ quy mô dịch bệnh sẽ được cân nhắc sử dụng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá xét nghiệm nhanh thường cho độ nhạy cao. Song, việc phát hiện có kháng thể IgM/IgG trong máu chỉ khẳng định người đó đã từng nhiễm SARS-CoV-2, phải làm thêm xét nghiệm Realtime RT-PCR mới có thể khẳng định.
Ngược lại, xét nghiệm nhanh âm tính cũng không chắc là người đó không mắc bệnh. Bởi khi người mới nhiễm, lượng virus thấp, cơ thể chưa sinh ra kháng thể vẫn có thể cho kết quả âm tính. Do đó, người trong diện nghi ngờ phải được theo dõi để xét nghiệm lại nếu có triệu chứng bệnh.