Theo thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 854.307 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 42.016 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 3/4 số ca tử vong là ở châu Âu. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 176.906 người. Hiện thế giới có 635.385 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 32.280 ca nguy kịch, chiếm 5%.
Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 69.569 ca mắc mới và 4.243 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại sân bay Bale-Mulhouse, Pháp, ngày 31/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Mỹ
Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng 1.4 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận 185.270 ca mắc COVID-19 và 3.780 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng kỷ lục với 21.482 ca và số ca tử vong cũng tang 639 ca. Với số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Mỹ tăng cao như vậy, Mỹ đã vượt lên Trung Quốc cả về số ca mắc và số ca tử vong.
Giới chức y tế đã hối thúc người dân Mỹ tuân thủ các chỉ thị ở trong nhà và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus này.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 31/3 thông báo, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New York đã tăng thêm 9.000 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này lên thành 75.795 người. Trong đó, số ca tử vong do COVID-19 tại bang này đã tăng 27% lên thành 1.550 người.
Khi số ca tử vong ở Mỹ vượt 3.000 người, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 1 triệu người dân trên cả nước, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, "đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2".
Các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu.
Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cũng trong ngày 31/3, tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố New York nói riêng và bang cùng tên nói chung đang gồng mình chống chọi với COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 31/3, các quan chức Mỹ cho biết đang thảo luận về khả năng đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tuy nhiên cũng cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để thực hiện bước đi này.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, việc đeo khẩu trang rộng rãi không chỉ ở môi trường chăm sóc sức khỏe đã mang lại một số thành công cho một số nước. Chính vì vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như nhóm chuyên trách của Nhà Trắng đang xem xét và thảo luận khả năng này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Fauci cho rằng việc đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phải đảm bảo rằng không làm mất đi nguồn cung cấp khẩu trang y tế cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe bởi hiện nay họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế trong khi điều trị cho bệnh nhân, như khẩu trang N95 và khẩu trang sử dụng trong phẫu thuật.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan trên toàn nước Mỹ với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như số ca tử vong ngày càng tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ USD sau khi văn kiện này được Thượng viện cũng như Hạ viện Mỹ thông qua.
Đây là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Dịch tại Ý đạt đỉnh
Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Ý Silvio Brusaferro ngày 31/3 cho rằng dựa vào đường cong dịch COVID-19 thì dịch tại nước này đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông Brusaferro khẳng định đây không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Ý ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố nước này ghi nhận thêm 4.023 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 ca, trong đó có 12.428 ca tử vong (tăng 837 ca). Số bệnh nhân chữa trị thành công tăng 1.109 ca lên 15.729 ca.Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.
Tại vùng tâm dịch Lombardy, số ca nhiễm tăng 1.047 ca và số ca tử vong tăng 381 ca, nâng tổng số ca COVID-19 toàn vùng lên 43.208 ca và 7.199 ca tử vong. Lần đầu tiên vùng Lombardy ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm trong 24h, với 1,330 ca (giảm 6 trường hợp).
Pháp
Giới chức y tế Pháp tối 31/3 thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên đến 499 người trong 24h qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Như vậy, Pháp vượt qua Mỹ và Trung Quốc trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong do COVID-19, sau Italy và Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm virus được xác định qua xét nghiệm là 52.128 bệnh nhân. Trong số 22.757 người hiện đang nhập viện, có 5.565 trường hợp nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt, 34% bệnh nhân nặng dưới 60 tuổi và 62% trong khoảng từ 60 đến 80 tuổi, 9.444 người đã được chữa khỏi và ra viện.
Tây Ban Nha
Theo cập nhật của worldometer.info, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 7.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên 95.923 trường hợp.
Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày giảm nhẹ, làm dấy lên hy vọng nước này đang tiến tới đỉnh dịch.
Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua.