Trước đó, theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 mà UBND TP. Hà Nội công bố, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3. Trong đó NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Ảnh minh họa.
Thông tin này ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, căng thẳng bởi không phải khu vực nào cũng có các trường THPT công lập chất lượng tương đương nhau.
Một số phụ huynh cho rằng việc bắt buộc phải đăng ký 2 nguyện vọng đầu trong khu vực tuyển sinh mà thí sinh có hộ khẩu thường trú là bất công về cơ hội của học sinh, bởi có những khu vực không có các trường top đầu của thành phố.
Chưa kể, thực tế có tình trạng học sinh đăng ký hộ khẩu ở quận A nhưng lại cư trú thực tế ở quận B. Nếu quy định "cứng" về việc học sinh phải đăng ký nguyện vọng học lớp 10 ở quận A thì học sinh phải di chuyển để đi học xa, không thuận lợi.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Phạm Văn Đại, quy định học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, song không nhiều.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển đối với học sinh nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh, đồng thời không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, di chuyển. Trong các trường hợp cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.
Bên cạnh đó, nếu có học lực tốt, học sinh còn rất nhiều lựa chọn khác như đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên, trường THPT có lớp chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (gồm Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây); hoặc các trường THPT công lập tự chủ tài chính; trường THPT chất lượng cao; trường THPT ngoài công lập... Ngoài ra, học sinh còn có thể đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên thuộc các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến việc thay đổi nguyện vọng dự tuyển, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Năm học 2021-2022, học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký dự tuyển, bởi năm nay các em có nhiều lựa chọn rồi. Học sinh lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp với năng lực.
Trước đó, ngày 19/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Quyết định số 839/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022.
Quyết định nêu rõ: “Phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 trên địa bàn TP Hà Nội. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành TP, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ được giao tại kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 trên địa bàn TP để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022”.
UBND TP Hà Nội dự kiến ngày thi là 29 và 30/5/2021.
Theo dự kiến trong kế hoạch, tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022, dự kiến toàn TP Hà Nội có khoảng 110.759 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm học 2019 – 2020).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, dự kiến 62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 22% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% số học sinh tuyển vào trung tâm GDNN-GDTX và khoảng 8% số học sinh tham gia học nghề.
TP Hà Nội dự kiến, tuyển vào lớp 10 trường THPT khoảng 90.730 học sinh. Trong đó, các trường công lập tuyển 68.670 học sinh, các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển khoảng 24.370 học sinh. Các trung tâm GDNN- GDTX tuyển khoảng 8.860 học viên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển khoảng 8.860 học viên.
Phương thức tuyển sinh theo hình thức thi tuyển. Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập.
Theo đó, tổ chức 4 bài thi độc lập, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ 4 được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS).
Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chọn bài thi môn thứ tư vào tháng 3/2021.
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.
Sở GD-ĐT Hà Nội thiết kế có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đề thi bao gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.
Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.