Nghệ sĩ Hữu Quốc cho biết tình trạng ông tiến triển nặng khi vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (quận 5) vì mắc nhiều bệnh nền. Ba tuần trước, hay tin ông mắc Covid-19, anh và nhiều nghệ sĩ thầm mong có phép màu xảy ra. Anh nói: "Cách đây vài ngày, tôi nghe tin ông dần khỏe, tưởng như vượt qua đại nạn này, nào ngờ...". Vợ và các con Khải Hoàn cũng là F0.
NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn
Nhạc sĩ Khải Hoàn tên thật là Nguyễn Khải Hoàn, sinh năm 1953 tại Cần Thơ. Do căn bệnh đậu mùa nên năm 4 tuổi ông bị mù cả hai mắt.
Khoảng năm 7 tuổi, gia đình đưa ông lên Sài Gòn để học ở trường mù. Dù bị mất đi ánh sáng nhưng ông đã cố hoàn thành hết lớp 12. Trong thời gian học văn hóa, ông được cha dạy đàn mandolin, sau đó được học guitar phím lõm và violon với nhạc sĩ Phi Long.
Ông học rất nhanh và còn tìm học thêm các loại nhạc cụ khác như đàn tranh, kìm… Vì sự đam mê và năng khiếu mà ông được nhận vô đàn cho đoàn cải lương nổi tiếng Kim Chung khoảng năm 1973, sau đó là các đoàn Tân Dạ Lý, An Giang, Khánh Hồng, Trúc Giang, Long An, Phước Chung, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2…
Sau ngày thống nhất đất nước, ông hoạt động mấy chục năm ở Đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến ngày về hưu.
Với nhiều nghệ sĩ, tiếng đàn của Khải Hoàn điêu luyện tới mức hễ mỗi lần nghe ông rao đàn là họ muốn ca.
NSND Ngọc Giàu nhận xét mỗi nhạc sĩ đều có phong cách và "tuyệt chiêu" riêng. Sau khi học thầy rành nghề, trong quá trình thực hành trên sân khấu, nhạc sĩ Khải Hoàn tự tìm tòi sáng tạo cho mình một lối đàn riêng.
"Anh mang những âm giai mang âm hưởng các làn điệu lý và nhạc Huế kết hợp các giai điệu bài bản đã học, sáng tạo những âm sắc lạ, vừa rộn ràng tươi mượt, nghe đậm chất trữ tình hơn là ai oán, ngón nhấn luyến láy rất lanh lẹ tạo những thanh âm huyền hoặc, nhất là những âm chủ: Xang, Oan, Xự... Sở trường của nhạc sĩ Khải Hoàn không chỉ ở guitar phím lõm mà cả violon, sến, kìm... Với mỗi giai điệu, dường như tiếng đàn của anh đều như mang tâm trạng" - NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Nhạc sĩ Khải Hoàn đã được nhà nước tặng Huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa" năm 1993. Ông từng tâm sự những thành quả đạt được trước tiên là nhờ sự hỗ trợ và động viên tối đa của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của những nghệ sĩ đi trước. Do đó, ông có trách nhiệm truyền nghề lại cho thế hệ nhạc sĩ đi sau.