Thứ 6, 22/11/2024, 00:03 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cái tát cho ai?

Cái tát cho ai?
(Tieudung.vn) - Sau khi nick name Nguyễn Xuân Bắc đăng tải bài “Cái tát của mẹ!” thì cộng đồng mạng nổi sóng. Người khen nghệ sĩ Xuân Bắc thẳng thắn dám “bật” lại dư luận, người chê lại cho rằng "Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" (Thơ Tú Xương).

Người đọc đoán già đoán non khi ngay vào đề Nguyễn Xuân Bắc viết: “Tôi năm nay ngoài 50, là người trưởng thành và khá từng trải, tôi còn tham gia một vài nhóm hội, cộng tác viên cho một số trang tin mạng (mà nhiều người hay tưởng nhầm là báo), tôi cũng tham gia cộng tác viên cho một số báo” và đoạn kết “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3!” thì người ta liên tưởng đến chương trình Gặp nhau cuối năm (Tết Quý Mão 2023) đang có khen - chê xôm tụ kể từ lúc phát sóng và chưa biết bao giờ kết thúc.

Cái tát cho ai?

Phải nói rằng, dù chỉ nói mánh khóe nhưng người ta phải công nhận người viết chì chiết khá sâu cay. Xuân Bắc viết về cái bánh chưng mẹ gói nhưng lồng ghép vào chuyện đời, rất chát chúa khi biết “ Mẹ tôi nói: Mấy năm trở lại đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi. Trước Tết thì mày gào lên là chờ đợi, là mong muốn. Mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến....rồi mày chê. Mày là đồ "Ăn cháo đá bát". Mày có biết Mẹ mày gói bánh, luộc bánh vất vả thế nào không?!”. Phải nói, nhân vật nào bị gán vào câu chuyện “Cái tát của mẹ!” này đọc thì phải vắt tay lên trán suy nghĩ cả tháng trời (?!!).

Đến giờ thì 99,99% người đọc nghĩ rằng chiếc bánh chưng chỉ là dẫn chuyện mà nick name Nguyễn Xuân Bắc nói về những người “dám chê” cái “chương trình Táo quân trên VTV3!” như cuối bài viết này. Chính vì thế, nhiều người cho rằng, chắc chắn đây không phải là bài viết của Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Đơn giản là với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), lại mới 47 tuổi (chưa ngoài 50) anh chả dại gì xuất hiện đôi co về một chương trình nghệ thuật gắn liền với đêm giao thừa 20 năm nay.

Khi xét đến NSƯT, người ta không chỉ là tài năng diễn xuất mà còn là nhân cách và khả năng ứng xử với công chúng nữa nên chắc chắn, dù mới 47 tuổi thì nghệ sĩ Xuân Bắc chả dại gì làm mất hình ảnh mình vào những chuyện tầm phào, đến những mới vào nghề cũng tránh xa. Không bàn đến chuyện phê bình đúng/sai nhưng tôn trọng công chúng, những người bỏ tiền để xem mình diễn là đạo đức nghề nghiệp mà những người làm nghệ thuật phải thuộc lòng.

Cái tát cho ai?

Đang nắm cương vị Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, xuất hiện hàng trăm chương trình truyền hình thì hơn ai hết NSƯT Xuân Bắc biết việc công chúng khen hay chê một chương trình nghệ thuật là điều hết sức bình thường. Người nghệ sĩ chỉ buồn, thậm chí buồn đến nẫu ruột khi đêm diễn không để lại trong lòng người xem bất cứ dấu ấn gì. Hãy nhìn Messi, lớn của sân cỏ thế giới, không phải phong độ lúc nào cũng tốt, nhưng anh biết bỏ qua những chỉ trích của báo chí, người xem. Đã nhiều lần anh : “Việc của tôi là sân, đá chưa tốt thì cắn răng luyện tập để cho tốt, cổ động viên chỉ trích ư, tốt thôi. Phải biết lắng nghe chỉ trích để còn biết mình phải làm gì để đá hay hơn”.

Thực ra, do Gặp nhau cuối năm đã ra đời 2 thập kỷ, kịch bản vẫn quay đi quẩn lại đả kích tiêu cực vài ngành, vài địa phương nhưng bao giờ cái kết có hậu, rằng quan dưới có sai thì còn có quan trên, cao nhất là Ngọc Hoàng sáng suốt nên không còn hấp dẫn khán giả. Không ít người, trong đó có tác giả bài viết này không xem Gặp nhau cuối năm (không ăn cháo) nhưng chính sự ồn ào của mạng , được các nhà văn, nhà báo có tên tuổi như Văn Công Hùng, TS Lê Thống Nhất, đồ Nghệ Phạm Xuân Cần và hàng nghìn khán giả lên tiếng. Nhẹ như TS Lê Thống Nhất thì cẩn thận “Có ai nhắn giúp chủ thớt gỡ giúp? Mình nghĩ chủ thớt chưa hẳn là Xuân Bắc. Hay dở của “bánh chưng” mình không bàn nhưng status này thật quá dở! Dân có quyền xem và bình luận mà xem mất tiền nhé!”

Đến giờ thì chưa biết “Cái tát của mẹ!” giành cho ai, nhưng ông đồ Nghệ họ Phan từ quê nhà Yên Thành vào Vinh đã nhanh chóng sáng tác bài vè “Kịch ông Bắc” mà bất cứ dân nói lái của địa phương đọc đều cho là “tát thế mới là tát”.

KỊCH ÔNG BẮC

có anh tên Bắc

chuyên đóng vai Nam

nói dại nói sàm

khi bị chê dở

 

xét về ăn ở

như rứa không nên

dù chê hay khen

là quyền khán giả

 

nếu có nói quá

cũng chuyện thường tình

mình cứ phân minh

tiếp thu, phân giải

 

ai đời anh lại

bày đặt ngụ ngôn

chửi khán giả luôn

"ăn cháo đái bát"

 

táo quân đã nhạt

thì nghỉ đi thôi

cố đấm ăn xôi

mần chi cho khổ

 

lại còn hùng hổ

lên mặt dạy đời

thì chẳng thèm coi

loại "kịch ông Bắc"!

Bất cứ nghệ sĩ nào để Mẹ - Nhân dân, những người mất tiền để xem các tác phẩm nghệ thuật ra tay tát đều sẽ đau. Tôi tin rằng nick name Nguyễn Xuân Bắc cũng sẽ đau, nhưng lại không mong đây là facebook của nghệ sĩ Xuân Bắc, bởi tôi không tin tuổi 47 mà anh ta lại còn phản ứng kiểu như thế.

Theo bạn, “Cái tát cho ai?”- khán giả hay nghệ sĩ?

Tags:
1.5 2 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.10391 sec| 805.047 kb