Thứ 7, 28/09/2024, 04:25 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bẽ bàng thực trạng đạo nhạc

Bẽ bàng thực trạng đạo nhạc
(Tieudung.vn) - Đời sống âm nhạc VN càng ngày càng bát nháo! Nhìn lên sân khấu biểu diễn, toàn thấy những chiêu trò chiều chuộng thị hiếu rẻ tiền. Thế nhưng, nguy hiểm hơn là thực trạng đạo nhạc trắng trợn của các nghệ sĩ trẻ.

Khi Sơn Tùng MTP vừa tung ra ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” thì công chúng đã phát hiện sự giống nhau đến đáng sợ của cái gọi là sản phẩm âm nhạc này với ca khúc “We don't talk anymore” của người Mỹ - Charlie Puth. Không cần có nhiều kiến thức về cấu trúc âm nhạc, chỉ cần trình độ của người nghe, cũng thừa sức xác định “Chúng ta không thuộc về nhau” là bản sao vụng về từ nguyên gốc “We don't talk anymore”. Không chỉ hợp âm và tiết tấu mô phỏng của người khác, mà những hình ảnh và vũ đạo dàn dựng của “Chúng ta không thuộc về nhau” cũng copy rất nhiều music video nước ngoài. Điều ấy chứng tỏ, đạo nhạc không chỉ có mình Sơn Tùng MTP mà có sự đồng lòng của cả ê-kíp. 

Đây không phải lần đầu tiên Sơn Tùng MTP bị lên án đạo nhạc. Bởi lẽ, ngay phong cách của Sơn Tùng MPT cũng na ná Hàn Quốc, nên không ai bận tâm khi nhiều ca khúc của Sơn Tùng MTP cầm nhầm ý tưởng sáng tạo của người khác, ví dụ ca khúc “Cơn mưa ngang qua” y hệt “Sarangi Mareul Deutjianha” của Namolla Family, còn “Nắng ấm xa dần” thì y hệt “Monologue” của As One.

Sơn Tùng MTP xem hành vi đạo nhạc là một cách để nổi tiếng?
Sơn Tùng MTP xem hành vi đạo nhạc là một cách để nổi tiếng?

Điều kỳ lạ là Sơn Tùng MTP đạo nhạc có truyền thống nhưng hầu như không thấy những cơ quan văn hóa lên tiếng. Hội nhạc sĩ TP.HCM và Hội nhạc sĩ VN đều cho rằng, Sơn Tùng MTP không phải là hội viên của họ, nên họ không có trách nhiệm phải bàn luận để giải tỏa băn khoăn của dư luận. Mới nghe qua ngỡ chừng có lý, nhưng nghĩ lại thấy ái ngại làm sao. Đã hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp mà thờ ơ với chính dấu hiệu tệ hại môi trường của mình thì thái độ nhà nghề thật bất ổn!

Năm 2014, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” bị nghi ngờ sao chép từ ca khúc “Because I miss you” của Hàn Quốc. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thẩm định và kiến nghị Cục Bản quyền cấm lưu hành bài hát này vì bài hát đã đạo nhạc. Vậy mà, sau đó Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch lại thành lập hội đồng khác để thẩm định lại và chỉ đề nghị thay beat của “Chắc ai đó sẽ về” để tiếp tục lưu hành. Phải chăng, vì biện pháp xử lý nửa vời như vậy, nên Sơn Tùng MTP và nhiều trẻ khác vẫn ung dung đạo nhạc?

Với cách vay mượn giống như Sơn Tùng MTP, nhạc sĩ trẻ Minh Vương đã viết ca khúc “Mưa” dựa trên ca khúc “Aitai” của Se7en. Sau khi ca khúc “Mưa” đoạt giải Bài hát Việt, thì cộng đồng mạng đã phê phán gay gắt. Còn chút tự trọng và muốn phục thiện, nhạc sĩ trẻ Minh Vương đã phải trả lại giải thưởng Bài hát Việt. Đáng tiếc, bài học của nhạc sĩ trẻ Minh Vương không được Sơn Tùng MTP soi rọi lại bản thân. 

Từ khi mở cửa hội nhập, thì âm nhạc Việt Nam bỗng dưng đầy mặc cảm với quốc tế, vì liên tục nhiều ca khúc nổi tiếng bị phanh phui đạo nhạc. Năm 2004, cơn bão đạo nhạc quét qua sàn diễn khiến giới âm nhạc bàng hoàng. Lúc đó, bằng tinh thần sòng phẳng, Hội nhạc sĩ VN đã ra văn bản kết luận ca khúc “Tình thôi xót xa” của Bảo Chấn sao chép từ “Frontier” của Keiko Matsui, và Hội âm nhạc TP.HCM đã công khai xác nhận ca khúc “Tuổi 16” của Quốc Bảo sao chép từ “Renaissance Fair” của Blackmore’s Night.

Hết nhạc sĩ già đạo nhạc, lại đến nhạc sĩ trẻ đạo nhạc. Công chúng đã quá mệt mỏi với những hành vi kém đạo đức như vậy, nhưng vẫn chưa thấy giải pháp khắc phục. Tại sao nghệ sĩ chỉ cần ăn mặc hở hang thì lập tức bị cấm biểu diễn, còn nghệ sĩ đạo nhạc trắng trợn thì vẫn thản nhiên như không hề có gì xảy ra? Cái câu cửa miệng “trẻ ăn cắp gà, già ăn cắp trâu” sao mà ám ảnh đến thế! Cứ lấp liếm tình trạng đạo nhạc thì nền âm nhạc nước nhà chừng nào mới trưởng thành?

Tags:
4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.15246 sec| 776.328 kb